Đối phó dịch lở mồm long móng

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) đang diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh Bắc Trung Bộ với sự xuất hiện trở lại của virus typ A. Bộ đang chỉ đạo các địa phương tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch.


Thiếu hệ thống thú y cấp huyện


Cục Thú y cho biết, tính đến ngày 21/11, cả nước có khoảng 1.300 con gia súc nhiễm bệnh LMLM typ A, trong đó có 285 con trâu, 983 con bò và 31 con lợn, tập trung chủ yếu tại 5 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam. Hà Tĩnh là tỉnh có số gia súc mắc bệnh nhiều nhất.

Nhân viên thú y huyện Triệu Phong (Quảng Trị) điều trị bệnh lở mồm long móng cho bò.


Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 30/8, dịch LMLM xuất hiện tại các xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Sau đó, dịch tiếp tục lây lan ra một số xã khác thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân, Can Lộc và Hương Khê. Tính đến ngày 17/11, toàn tỉnh có khoảng 775 con trâu, bò của 31 xã/6 huyện mắc bệnh.


Theo ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, sở dĩ dịch bùng phát và lan rộng như vậy là bởi gia súc, gia cầm chết do lũ lụt, xác bị phân hủy, mang theo mầm bệnh phát tán khắp nơi. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương còn chậm, thái độ lơ là chủ quan của cả chính quyền và người dân cũng là nguyên nhân khiến dịch có cơ hội bùng phát.


Cụ thể, có một số xã như Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn... (huyện Cẩm Xuyên) mặc dù dịch bệnh đã xảy ra rất lâu trên địa bàn nhưng chính quyền địa phương không kịp thời khai báo hoặc giấu dịch với huyện hay cơ quan chuyên môn. Trước “thái độ” thờ ơ, chủ quan của chính quyền cấp dưới, huyện Cẩm Xuyên đã nghiêm túc phê bình Chủ tịch các xã Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh và Cẩm Sơn.


Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y cho rằng, Hà Tĩnh đang thiếu một hệ thống quản lý thú y ngành dọc và chính điều này đã khiến công tác phát hiện, báo cáo và phòng chống dịch bệnh không hiệu quả. Cuối năm 2012, tỉnh này đã xóa bỏ hệ thống thú y cấp huyện, các đơn vị này nằm trong Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi của huyện dưới sự quản lý của UBND huyện. “Việc cần làm ngay đối với Hà Tĩnh là thay đổi hệ thống giám sát, khôi phục lại hệ thống thú y cấp huyện như trước đây và giao lại quyền quản lý cho chi cục Thú y các cấp” - ông Kỳ khẳng định.


Chuyển đổi vắcxin từ 1 typ thành 2 typ


Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Văn Tám, diễn biến dịch lở mồm long móng tại Hà Tĩnh rất phức tạp, nguy cơ dịch lây lan rộng trong tỉnh và các tỉnh lân cận là rất cao nếu không khẩn trương thực hiện các biện pháp chống dịch quyết liệt. Virus lở mồm long móng được phát hiện tại các huyện đều thuộc typ A, lây lan nhanh và gây thiệt hại lớn. Ngày 19/11, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Thuốc thú y Trung ương xuất dự trữ quốc gia 50.000 liều vắcxin LMLM tam giá (O, A, Asia 1) để hỗ trợ cho Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng; xuất không thu tiền 150.000 liều vắcxin LMLM typ O hỗ trợ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế.


Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có công điện 34/CĐ - UBND yêu cầu các địa phương đang có dịch tổ chức tiêm phòng bắt buộc vắcxin lở mồm long móng đa typ (O, A, Asia 1) cho toàn bộ số gia súc trong vùng dịch, vùng khống chế và vùng đệm trước ngày 25/11. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu địa phương thành lập ngay các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc mang mầm bệnh ra khỏi địa phương làm lây lan dịch; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh; thực hiện bấm thẻ tai cho số gia súc mắc bệnh trước ngày 30/11/2013.


Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y cho biết, sắp tới Cục sẽ tiến hành chuyển đổi vắcxin từ 1 typ thành 2 typ. Đây là loại vắcxin phù hợp nhất với chủng virus đang lưu hành tại các tỉnh Bắc Trung Bộ (typ O, A), có tác dụng miễn dịch trong vòng 6 tháng.


Thu Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN