Theo Ban Quản lý dự án 6, sở dĩ con đường này không thi công được là do hàng chục hộ dân khu vực này đã có phản ứng gay gắt, thậm chí gây áp lực lên tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và kiên quyết kiến nghị không cho thi công đường gom hai bên tuyến nói trên.
Để hoàn thành kết thúc Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu, ngoài việc đề nghị không tiếp tục làm đường dân sinh, Ban Quản lý dự án 6 còn đề nghị Bộ Giao thông vận tải bàn giao nguyên hạng mục đường gom trong phạm vi Km121+151 đến Km121+577, bao gồm cả hạng mục đã thi công hoàn thành, các hạng mục đang thi công dở dang cho đơn vị khai thác quản lý và địa phương quản lý. Thực tế, tuyến đường gom này đang thi công dở dang, đã hoàn thành cơ bản hệ thống rãnh dọc thoát nước, chỉ còn phần trải nhựa nữa là hoàn thành nhưng do gặp phải sự phản đối của hàng chục hộ dân khu vực xã Ia Sao, thị xã A Yun Pa nên còn chưa thể thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Trâm, thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao, thị xã A Yun Pa, Gia Lai, từ trước đến nay, người dân sống bám mặt đường để kinh doanh, mua bán, nếu nhà nước làm con đường dân sinh thì hàng chục hộ dân hai bên đường đang sinh sống thì tự dưng phải đi đường gom, rất bất tiện trong việc kinh doanh buôn bán cũng như sinh hoạt. Ngoài ra, khu vực này hằng năm cũng thường xảy ra ngập lụt do gần sông suối, do vậy, khi mặt đường nâng cao có đoạn lên 4m như hiện nay thì nếu làm đường gom, khi ngập lụt đến, người dân sẽ không biết chạy lũ bằng đường nào. Do vậy, gần 40 hộ dân hai bên đường đã thống nhất kiến nghị không để nhà đầu tư làm đường gom dân sinh, người dân sẽ tự đổ đất để nâng nền nhà bằng với mặt đường để tiện sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán.
Ông Cao Châu, thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao, thị xã A Yun Pa, Gia Lai cũng cho rằng, người dân xã Ia Sao ủng hộ việc nhà nước nâng cấp Quốc lộ 25, tuy nhiên, nếu làm đường gom dân sinh thì người dân rất bất tiện trong sinh hoạt bởi mặt đường quá cao. Ông Châu cũng đại diện các hộ dân khu vực này kiến nghị là nếu Bộ Giao thông vận tải không thi công đường gom thì có thể hỗ trợ phần nào kinh phí cho người dân đổ đất đắp cho gần bằng với mặt đường để thuận tiện trong sinh hoạt là điều người dân mong chờ nhất.
Trước đó, theo kiến nghị của 37 hộ dân khu vực xã Ia Sao, UBND thị xã A Yun Pa đã có buổi làm việc với đại diện các hộ dân, chính quyền địa phương và Ban Quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông vận tải về kiến nghị của người dân trong việc bỏ đường gom dân sinh. Buổi làm việc đã ghi nhận nhiều ý kiến của đa số người dân đề nghị không làm đường dân sinh hai bên tuyến Quốc lộ 25 đoạn Km121+151 đến Km121+577 qua địa bàn xã Ia Sao, thị xã A Yun Pa, Gia Lai.
Ông Đặng Xuân Toàn, Phó Chủ tịch UBND thị xã A Yun Pa đã kết luận tại buổi làm việc, cho rằng các kiến nghị của các hộ dân là chính đáng và tất cả các hộ dân đều đề nghị không làm đường gom tại khu vực này do đây là khu vực dễ ngập lụt trong mùa mưa bão. Ông Toàn cũng đề nghị tất cả các hộ dân tại khu vực đường gom xã Ia Sao phải có cam kết chịu trách nhiệm liên quan đến vấn đề an toàn giao thông, vấn đề thoát nước và các vấn đề khác khi không làm đường gom dân sinh tại khu vực này và không có ý kiến, kiến nghị khi có vấn đề phát sinh liên quan.
Đường gom dân sinh hai bên tuyến đoạn từ Km121+151 đến Km121+577 qua địa bàn xã Ia Sao, thị xã A Yun Pa, Gia Lai. Tuyến đường gom dân sinh này thuộc Gói thầu 2.8, Dự án thành phần 2 của Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 25 đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai, thực hiện từ 16/7/2020 đến 16/7/2021 hết hạn hợp đồng, do Ban Quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.