Bám sát thực tiễnThời gian qua, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS đã thay đổi ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn. Theo đó, việc hỗ trợ trực tiếp cho hộ đồng bào DTTS chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ “cho không” chuyển sang “cho vay” để phát triển sinh kế là chủ trương rất đúng đắn.
Nhờ được vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi lợn, gia đình ông Ngô Thẩm, dân tộc Khmer, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã nâng cao thu nhập . Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Hiện nay, các tỉnh vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều chính sách hiệu quả giúp đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào Khmer thoát nghèo bằng những mô hình kinh tế phù hợp với từng địa phương cụ thể và gắn kết chặt chẽ với Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã nỗ lực triển khai các hoạt động tín dụng chính sách nhằm đưa nguồn vốn vay đến tận tay người nghèo nói chung, đồng bào Khmer nghèo nói riêng nhằm giải quyết nhu cầu cơ bản nhất để triển khai thực hiện các mô hình kinh tế. Tính đến hết tháng 9/2015 trên phạm vi cả nước, vốn chính sách của NHCSXH đã góp phần giúp hơn 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo với tổng nguồn vốn đạt trên 147.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2014, tổng dư nợ đạt gần 138.000 tỷ đồng.
Con số trên đã phản ánh những cố gắng của NHCSXH đáp ứng yêu cầu bức thiết, hiện thực hóa quyết định số 899/QĐ-TTg về việc bổ sung kế hoạch tín dụng năm 2015 của NHCSXH mà Chính phủ vừa ban hành vào tháng 6 vừa qua. Qua đó, dư nợ tín dụng năm 2015 của NHCSXH đã tăng thêm 3,5%, lên mức 10% so với thực hiện năm 2014, tương đương mức tăng 11.600 tỷ đồng. Việc Thủ tướng quyết định nâng kế hoạch tăng trưởng dư nợ năm 2015 lên 10% tăng thêm 4.000 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với người nghèo nói chung, trong đó có đối tượng chính sách và đồng bào DTTS trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, từ tháng 5/2015, Chính phủ đã ban hành quyết định số 28/2015/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đã giải quyết “điểm nghẽn” rất lớn. Vì từ thực tế triển khai các chương trình giảm nghèo cho thấy, các hộ mới thoát nghèo sẽ không biết nơi có thể vay vốn. Theo quy định cũ, những hộ mới thoát nghèo không nằm trong diện được vay ưu đãi của NHCSXH. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại gần như không thể thực hiện được, vì những đối tượng hộ thoát nghèo không đáp ứng được yêu cầu về tài sản thế chấp, cũng như chứng minh nguồn thu nhập ổn định. Từ bất cập trên dẫn tới nhiều hộ vừa mới thoát nghèo bị lâm vào cảnh thiếu vốn sản xuất kinh doanh và tái nghèo trở lại, làm giảm hiệu quả của chính sách giảm nghèo.
Khơi “dòng chảy” vốn tín dụngTuy nhiên, để các chính sách của Chính phủ được phát huy hiệu quả và cụ thể hơn là từ những mô hình sản xuất mà chính quyền địa phương các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có đông đồng bào Khmer sinh sống có cơ hội được triển khai, nhân rộng để thoát nghèo bền vững thì đòi hỏi “dòng chảy” vốn tín dụng này phải được khơi thông hiệu quả.
Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, đến nay NHCSXH đã phối hợp cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương vùng ĐBSCL xây dựng trên 42.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Đây là đơn vị đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, làm “cầu nối” cho nguồn vốn chính sách đến tận tay người nghèo, người DTTS có nhu cầu vay vốn.
Nhưng theo đánh của NHCSXH, hoạt động của không ít Tổ TK&VV ở vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa đủ khả năng đóng vai trò cầu nối giữa NHCSXH và người vay. Hiện còn nhiều Tổ TT&VV được xếp loại trung bình và yếu kém, thể hiện trình độ, nhận thức, trách nhiệm của nhiều tổ trưởng còn yếu. Bên cạnh đó, công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo và các đối tượng chính sách dân tộc miền núi,… chưa rà soát, bổ sung kịp thời để làm cơ sở vay vốn.
Do vậy, để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả đối với người nghèo nói chung và đồng bào Khmer nói riêng, các cấp ủy, chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL phải có giải pháp khắc phục được tồn tại nói trên để tạo điều kiện và chỗ dựa vững chắc cho các đối tượng chính sách. Đây là vấn đề cấp bách bởi hiện nay nhu cầu vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách, đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn tại vùng ĐBSCL là còn rất lớn.
Các chuyên gia ngành ngân hàng cũng cho rằng, đứng trước tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay, việc Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp cận với các dự án vay vốn ODA có mục tiêu dự án liên quan tới các chương trình tín dụng chính sách mà ngân hàng này đang thực hiện như giảm nghèo, tài chính vi mô… để tạo lập nguồn vốn lãi suất thấp, ổn định lâu dài là vấn đề mà Chính phủ cần xem xét.