Việc nhận diện được đầy đủ nguyên nhân từ đó có những giải pháp khả thi để chủ động giảm thiểu và phòng, chống sạt lở đang là vấn đề cấp bách hiện nay ở khu vực này.
Một điểm sạt lở trên sông Cái Bè (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN |
Diễn biến và nguyên nhân tác động Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. Từ năm 2010 trở về trước, sạt lở và bồi lắng các dòng sông và bờ biển nơi đây theo quy luật tự nhiên chung và tạo cân bằng tương đối. Song từ năm 2010 đến nay diễn biến sạt lở diễn ra rất nhanh và ngày càng phức tạp, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của khu vực này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ mất phần lớn lượng phù sa từ thượng lưu; lún mặt đất đang tiếp tục gia tăng với tốc độ lớn. Cộng thêm mực nước biển gia tăng do biến đổi khí hậu kéo theo vùng ven biển ngập sâu đến vài ba mét vào cuối thế kỷ 21, làm cho rừng ngập mặn có nguy cơ biến mất trong tương lai không xa.
Hiện Đồng bằng sông Cửu Long có đến 562 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 786km, trong đó sạt lở bờ sông 562 điểm gồm 520km; sạt lở bờ biển 49 điểm gồm 266km. Sạt lở đặc biệt nguy hiểm 40 điểm gồm 266km. Tại một số đô thị đã xảy ra sạt lở gây những thiệt hại đáng kể như thị xã Tân Châu, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang); thị xã Hồng Ngự, thành phố Sa Đét (tỉnh Đồng Tháp); thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long)…Bên cạnh đó suy thoái rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng tới mức báo động. Cụ thể là diện tích rừng ngập mặn trong 5 năm (2011-2015) giảm 10% tương ứng với 28.387ha. Trong đó năm 2010 giảm 300.417ha, năm 2016 giảm 272.030ha.
Chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện cho biết, trong 25 năm qua khuynh hướng sạt lở ở khu vực này trội hơn hẳn khuynh hướng bồi đắp. Nhất là càng về sau trong 10 năm và 5 năm gần đây nhất sạt lở gia tăng nhanh. Hiện có đến 50% chiều dài bờ biển của Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở dữ dội, có nơi bờ biển thụt lùi hơn 50m, trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất ven biển.
Nhận diện các nguyên nhân chính Bờ sông Phong Điền bị sạt lở đã "nuốt chửng" hơn nửa căn nhà của người dân tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm là đồng bằng trẻ, thuộc hạ lưu sông Mê Kông, là vùng đất thấp mềm yếu khả năng chịu lực thấp và khá bằng phẳng, dễ bị xói lở do tác động của tự nhiên và nhân tạo. Độ cao ở dọc biên giới Campuchia từ 1,5-4m; dọc theo sông Tiền và sông Hậu từ 1-3m; mạng lưới sông dày đặc, mật độ trên 4 km/km2. Tổng chiều dài bờ biển 774 km và khúc khuỷu, bị ngăn cách bởi cửa sông, kênh; cứ khoảng 20 km đường bờ có 1 sông chảy cắt ngang.
Từ đặc điểm địa hình và địa chất nêu trên, một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là do các nước trên thượng nguồn sông Mê Kông gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện và nông nghiệp, gây ra hệ lụy tiêu cực đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Trong tương lai gần, số lượng hồ thủy điện được quy hoạch trên thượng lưu sông Mê Kông sẽ là 106 công trình với tổng dung tích 106 tỷ m3. Do đó dẫn đến lượng phù sa, bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm tới 42% so với trước năm 2012.
Đặc biệt, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng đang gây sụt lún đất tăng dần trong những năm qua. Trong 25 năm (1991-2016), nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long mực nước ngầm hạ xuống hơn 5m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực 1,1cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện khẳng định, vì các công trình thủy điện làm giảm phù sa mịn gây ra hiện tượng “nước đói phù sa” và cát, sỏi dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển. Hiện tượng thiếu hụt này trong vùng nước biển ven bờ làm giảm bồi đắp và gia tăng sạt lở. Nhất là đoạn bờ biển phía Biển Đông từ Sóc Trăng đến Mũi Cà Mau và phía Biển Tây từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên. Qua số liệu nghiên cứu của Ủy hội Mê Kông cho thấy, so với năm 1992 và năm 2014, tải lượng phù sa mịn sông Mê Kông giảm từ 160 triệu tấn/năm còn 85 triệu tấn/năm. Khuynh hướng sạt lở sẽ diễn ra trầm trọng hơn
Trong 10 năm (1998-2008), cát trên sông Tiền và sông Hậu đã bị khai thác rất nhiều, tổng cộng khoảng 200 triệu tấn vật liệu đáy sông. Riêng năm 2016 có 65 giấy phép khai thác cát được cấp tại các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng khai thác 15 triệu m3. Đó là chưa kể đến khối lượng khai thác cát của 11 dự án nạo vét luồng lạch giao thông đường thủy.
Dự báo trong những năm tới nạn ngập lụt tại đây sẽ tăng mạnh, nhất là vùng ven biển và giữa đồng bằng. Vùng ven biển ngập triều cũng gia tăng, đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn. Xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ rất khó lường, nên việc mất đất sẽ nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, một kế hoạch hành động toàn diện cả quản lý và kỹ thuật cần phải tiến hành ngay từ bây giờ trước khi mọi cố gắng đều trở nên quá muộn.
Định hướng và giải pháp Ngày 21/5/2017, khu vực sạt lở tại ấp Kiến Thuận, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (cặp bờ sông Ông Chưởng) tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt, kéo dài gần 400 mét, ăn sâu vào đường nhựa liên xã. Ảnh: Công Mạo/TTXVN |
Tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại thành phố Cần Thơ cuối tháng 9 vừa qua, các cơ quan quản lý và các nhà khoa học đều thống nhất cho rằng, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ngoài thích ứng với biến đổi khí hậu, cần phải vận hành theo quy luật tự nhiên và phát huy các giá trị của hệ sinh thái bản địa. Bởi hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên là nền tảng cho sự phát triển nơi đây.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng sạt lở trên diện rộng tại Đồng bằng sông Cửu Long, phải giải quyết hiệu quả vấn đề mất cân bằng bùn cát trên sông, kênh rạch, vùng ven biển và sụt lún đất. Tăng cường quản lý bờ sông, kênh rạch, bờ biển theo hướng quản lý tổng hợp giảm tác động gây xói lở, dành không gian thoát lũ, làm đường giao thông, đắp đê. Đặc biệt là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng chống sạt lở; trồng và phục hồi rừng ngập mặn. Thường xuyên quan trắc, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở và thủy văn, hải văn.
Theo đó, giải pháp quan trọng trước tiên là tăng cường hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông để phát triển, nhưng không làm ảnh hưởng xấu đến vùng hạ du. Mặt khác phải rà soát và chỉ cấp giấy phép khai thác cát với khối lượng hợp lý, cùng với nghiên cứu đề xuất các giải pháp thay thế cát san lấp và cát xây dựng. Các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình ven sông để hạn chế chất tải lên bờ sông, kênh rạch và cản trở dòng chảy. Đi đôi với việc bố trí , sắp xếp di dời dân ra khỏi bờ sông, kênh rạch, ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở.
Trong bảo vệ bờ biển, giải pháp công trình cứng như kè bê tông, đá đổ… đã phát huy hiệu quả, song giải pháp này cần nguồn đầu tư lớn với chi phí thực tế từ 80-100 tỷ đồng/km. Do đó, các công trình này chỉ nên áp dụng ở những đoạn bờ biển xung yếu, sạt lở nghiêm trọng nhằm bảo vệ khu dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng. Còn về lâu dài cần áp dụng giải pháp "công trình mềm" là bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn và hệ sinh thái đa dạng ven biển.
Trước mắt, Đồng bằng sông Cửu Long nên tập trung đẩy mạnh việc trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn và hệ thống đê nhỏ ven biển vì ít tốn kém mà hiệu quả có thể không thua gì những công trình đê biển lớn. Rừng ngập mặn ven biển có vai trò quan trọng và cần phải có 3 đai cây điển hình là đai cây tái sinh, đai cây tiêu tán sóng có tầng tán nằm trong biên độ triều, cây đai cao có tầng tán nằm chủ yếu trên mực nước triều cường.
Qua tính toán về các chương trình, dự án phòng chống sạt lở cho Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến tổng vốn đầu tư lên tới 34.000 tỷ đồng. Trong đó có 20.000 tỷ đồng để bố trí sắp xếp lại dân cư kết hợp với chống lũ, xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2018-2030). Phòng chống sạt lở bờ sông 3.000 tỷ đồng (2018-2025).
Phòng chống sạt lở vùng ven biển gắn với củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, trồng rừng ngập mặn kết hợp quản lý tổng hợp vùng ven biển; quan trắc diễn biến xói, bồi sông, kênh rạch, bờ biển, thủy hải văn 10.000 tỷ đồng (2018-2030). Riêng 1.000 tỷ đồng (2018-2025) dành cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở, thúc đẩy hình thành hệ thống sinh thái mới thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng vật liệu nạo vét sông, kênh rạch phục vụ san lấp, đắp đê, làm đường giao thông.