Diện mạo mới trên từng phum sóc ở Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (424.914 người), trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 30,19%. Nhờ những chính sách đầu tư đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới, diện mạo ở phum sóc vùng đồng bào Khmer từng bước đổi thay.

Chú thích ảnh
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng 350 giao thông nông thôn giúp đồng bào Khmer đi lại dễ dàng, giao thương thuận lợi.

Diện mạo mới ở phum sóc

Về xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú - nơi có gần 93% dân số là người Khmer sinh sống trong những ngày Tết Độc lập, ai ai cũng sẽ thấy được sự đổi thay ở nơi đây. Những con đường sình lầy, căn nhà bằng tre lá, những cây cầu bằng cây hơn 10 năm trước không còn nữa; thay vào đó là những ngôi nhà mới xây, mái tôn khang trang, tuyến đường bê tông, nhựa trải đều trên từng phum sóc.

Đang thu mua nông sản địa phương, anh Lý Đương (ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ) vui vẻ cho hay, nhờ Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn nên việc giao thương hàng hóa, con em đi học, người lớn tuổi đi khám, chữa bệnh dễ dàng hơn trước. “Đường xá trong xã đều đã được đầu tư khang trang, mở rộng thông thoáng nên ô tô, xe gắn máy có thể vào tận rẫy hoa màu để thu mua dễ dàng, không phải lo chở bằng ghe xuồng hay lội sình vác từng bao như trước đây nữa” - anh Đương cho biết.

Theo anh Đương, ngoài đầu tư về hạ tầng giao thông, chính quyền địa phương còn mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, cấp giống cây trồng vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tộc Khmer. Nhờ đó cùng với sự cần cù, siêng năng lao động, sản xuất, mấy năm gần đây, hầu hết người Khmer đã vươn lên khá, giàu. Diện mạo phum sóc nơi đây đổi thay nhanh chóng.

Lãnh đạo UBND xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) cho biết, bằng các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tất cả tuyến đường trục xã và liên xã, đường ấp trên địa bàn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa giúp ô tô đi lại thuận tiện.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mỹ Bành Đức Quang cho biết, ngoài hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang, đồng bào Khmer nơi đây đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng lúa chất lượng cao (ST25), vùng chuyên canh màu, nuôi bò thịt, bò sữa... Cuối năm 2023, xã Phú Mỹ có mức thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo chỉ còn 0,15%.

Tại xã Tuân Tức (huyện Thạnh Trị) - nơi có trên 50% dân số là người Khmer, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, những năm gần đây, diện mạo phum sóc đã thay đổi. Anh Lâm Văn Nám (xã Tuân Tức) chia sẻ, gia đình anh trồng 13 ha lúa. Vụ Hè Thu vừa rồi, anh trồng giống Đài Thơm cho năng suất 5,5 tấn/ha, giá bán gần 8.000 đồng/kg (lúa tươi tại ruộng). Trừ các khoản chi phí, gia đình thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Anh Nám cho biết, vụ Hè Thu vừa rồi không chỉ riêng gia đình anh mà nhiều gia đình khác trong phum sóc đều phấn khởi khi được mùa, đời sống ngày thêm ấm no. Đồng bào dân tộc Khmer luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Chú thích ảnh
Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong hỗ trợ phát triển kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer giảm 3% hàng năm; nhiều bà con đồng bào vươn lên khá giàu có đời sống sung túc.

Huyện Thạnh Trị có trên 32% dân số là người Khmer sinh sống, tập trung tại các xã: Tuân Tức, Thạnh Tân, Lâm Kiết… Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai kịp thời các chính sách phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc.

Ông Liêu Trinh Húy, Trưởng phòng Dân tộc huyện Thạnh Trị thông tin, những năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương có bước phát triển khá tốt. Huyện thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tổ chức nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào. Đặc biệt năm 2024, đồng bào dân tộc Khmer vui hơn khi giá lúa vụ Đông - Xuân và vụ Hè Thu cao.

Ông Liêu Trinh Húy cho biết thêm, hiện, hộ nghèo dân tộc Khmer ở ở địa phương đã giảm còn 697 hộ. Toàn huyện có 7/8 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; 100% hộ người Khmer có điện sử dụng. 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 100% ấp có đường giao thông nông thôn được xây dựng bằng bê tông. Lĩnh vực văn hóa, xã hội ngày càng được quan tâm; từ đó từng bước nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây.

Đổi thay nhờ Đảng và Nhà nước

Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã chỉ đạo triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc kịp thời, đúng đối tượng. Bên cạnh đó, nhận thức trong chư tăng và đồng bào các dân tộc về vấn đề dân tộc, tôn giáo, chính sách dân tộc có bước chuyển tích cực. Từ đó, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố thêm niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của chính quyền địa phương các cấp.

Giai đoạn 2019 - 2024, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tập trung đầu tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Tỉnh đã xây dựng 399 công trình, trong đó có 350 công trình giao thông nông thôn, 6 công trình thủy lợi, 41 nhà sinh hoạt cộng đồng...; duy tu, bảo dưỡng 207 công trình với tổng nguồn vốn trên 327 tỷ đồng.

Ông Lâm Hoàng Mẫu, Phó Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Sóc Trăng hiện có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 34 xã là vùng đồng bào dân tộc), 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2022 - 2024, với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 1.030 tỷ 878 đồng, Sóc Trăng đã hỗ trợ đất ở cho 249 hộ, nhà ở cho 1.923 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 958 hộ, xây dựng 4 công trình nước tập trung với 1.536 hộ thụ hưởng…

Chú thích ảnh
HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ra Nghị quyết về hỗ trợ tiền cho người dạy tiếng Khmer tại vùng dân tộc thiểu số nhằm giữ gìn và phát huy chữ viết đồng bào dân tộc Khmer.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, địa phương là tỉnh ven biển có 27 dân tộc thiểu số, chiếm trên 35% dân số, trong đó nhiều nhất là người Khmer (chiếm 30,19% dân số toàn tỉnh). Các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn đoàn kết một lòng, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Giai đoạn 2019 - 2024, kinh tế của tỉnh liên tục có bước tăng trưởng, riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,54%, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (6,42%), đứng thứ 6 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2023 đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Từ nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia, toàn tỉnh đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% hộ vùng dân tộc thiểu số được sử dụng lưới điện quốc gia; 99,65% gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm 2%/năm, trong đó hộ Khmer nghèo giảm 3%/năm.

Thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tỉnh tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số, nhất là của người Khmer; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng phum sóc ngày càng giàu đẹp.

Bài và ảnh: Tuấn Phi (TTXVN)
Huy động hiệu quả vốn xã hội hóa để xây cầu nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer
Huy động hiệu quả vốn xã hội hóa để xây cầu nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer

Ngày 16/6, tại xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND huyện Mỹ Tú tổ chức khánh thành 2 cây cầu nông thôn (Vạn Duyên và Khiêm Hương) với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer giao thương dễ dàng, trẻ em đi học thuận lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN