Chính sách tín dụng góp phần giảm nghèo vùng Tây Bắc

Xác định được vai trò trọng yếu của khu vực Tây Bắc trong ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong những năm qua, ngành ngân hàng luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Ngành Ngân hàng đã: xây dựng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có sự tham gia tích cực của một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Dồn lực cho giảm nghèo

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nguyễn Văn Bình, song song với nguồn vốn tín dụng thương mại, nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản là một giải pháp quan trọng giúp người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ở vùng Tây Bắc trong những năm qua tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh; cho vay giải quyết việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi; cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay hộ nghèo chưa có nhà ở an toàn…

Người dân làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La. Ảnh: Lê Hữu Quyết – TTXVN

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, thời gian qua NHNN luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về giảm nghèo, trình Thủ tướng Chính phủ chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hướng dẫn NHCSXH cho vay ưu đãi tại các huyện nghèo, cho vay hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2. Chủ động theo dõi, kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, NHCSXH trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất và nâng mức cho vay các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thị trường, cũng như đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước thực hiện duy trì 2% số dư tiền gửi tại NHCSXH theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP và tái cấp vốn cho NHCSXH.

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH, đến cuối tháng 10/2015, tổng các nguồn vốn này đạt khoảng gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 40% nguồn vốn của NHCSXH. Tích cực đàm phán, ký kết với Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á đầu tư các chương trình, dự án hỗ trợ cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, đặc biệt là 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong giai đoạn 2009 - 2015, đã có nhiều dự án, chương trình tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Bắc, với số vốn đạt trên 648 triệu USD…

Hoạt động ngân hàng của khu vực Tây Bắc trong những năm qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc ước tính đến cuối tháng 12/2015 đạt 175.047 tỷ đồng, tăng 17,85% so với 31/12/2014, chiếm tỷ trọng 3,9% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Trong đó, tại 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao dư nợ đạt 67.959 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,8%/tổng dư nợ tín dụng khu vực Tây Bắc, tăng 14,16% so với 31/12/2014.

Ưu tiên đầu tư cho những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN khẳng định, giai đoạn 2009 - 2015, NHCSXH đã tập trung nguồn vốn tín dụng ưu tiên đầu tư cho những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo. Từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc khu vực Tây Bắc, đã giúp trên 2,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, góp phần giúp trên 360.000 hộ thoát nghèo, trên 122.000 lao động có việc làm, xây dựng trên 663.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 152.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp cho hơn 225.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đến trường, hơn 9,8 ngàn lao động được vay vốn đi làm việc tại Malaysia, Đài Loan, các nước Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đến cuối 2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đạt 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ toàn quốc, tăng 19.351 tỷ đồng so với đầu năm 2009, tương đương với tỷ lệ tăng là 181%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng toàn quốc.

Ngoài ra, giai đoạn 2009-2015, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội (ASXH) tại 14 tỉnh vùng Tây Bắc với tổng số tiền 2.262 tỷ đồng. Trong đó, tài trợ cho 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 20% đạt hơn 1.208 tỷ đồng (chiếm 58% tổng số hỗ trợ cho Tây Bắc).

Có thể nói nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các chương trình ASXH của ngành, cùng với nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực Tây Bắc, kinh tế khu vực ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc đã giảm từ 34,41% (năm 2010) xuống còn 18,26% (năm 2014), bình quân giảm 3,91%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trong vùng đã giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014, giảm 5,55% so với cuối năm 2013 và giảm 25,58% trong cả giai đoạn (bình quân giảm trên 6%/năm).

Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác xóa đói giảm nghèo thông qua hoạt động tín dụng chính sách vùng Tây Bắc cho thấy mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trung bình của vùng Tây Bắc hiện nay so với tỷ lệ hộ nghèo trung bình của cả nước vẫn cao hơn 3 lần, đặc biệt là còn 6 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo cao trên 20%. Nhiều địa phương, nhiều hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà chưa tự lực vươn lên thoát nghèo…

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Bắc, trong đó tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực. Tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để NHCSXH thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tại khu vực Tây Bắc nhằm góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng vào cuộc sống của người dân Tây Bắc. Tập trung nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình ASXH vùng Tây Bắc, đặc biệt tại các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao góp phần thiết thực giúp người dân Tây Bắc cải thiện dần điều kiện sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng Tây Bắc.
Viết Tôn
Giúp đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn ưu đãi
Giúp đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn ưu đãi

Ngày 7/1/2016, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã có buổi làm việc với Đoàn Khảo sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII do đồng chí Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc dẫn đầu, nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2005 - 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN