Nhiều ưu đãi vẫn khó vay vốn

Quý I/2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng cầu tiêu dùng phục hồi đáng kể. Trước tín hiệu kinh tế khởi sắc, đại diện Tổ công tác vĩ mô liên ngành tài chính, công thương, ngân hàng, đầu tư đề xuất ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay từ 1 - 1,5% để kích thích doanh nghiệp vay vốn. Dù vậy, các chuyên gia nhận định, cánh cửa vốn vay lãi suất thấp vẫn chưa hẳn đã mở ra với các doanh nghiệp.

Khó đáp ứng tiêu chuẩn

Để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng cho vay ưu đãi. Với gói tín dụng 3.000 tỷ đồng có lãi suất ưu đãi 0,68%/tháng trong 30 tháng đầu (tức chỉ 8,16%/năm), Ngân hàng VIB đã giải ngân được 2.000 tỷ đồng sau thời gian ngắn tung ra chương trình. Tương tự, Viet Capital Bank vừa tung gói 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm, ưu đãi trong 3 tháng đầu…

Khách hàng vay vốn tại HDBank Thủ đô, Chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Mặc dù các ngân hàng đang nỗ lực tung ra các gói tín dụng ưu đãi nhằm kích thích cho vay nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội tiếp cận dễ dàng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng: Việc tiếp cận vốn vay, đặc biệt là trung và dài hạn của doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Khoảng 70% DNVVN vẫn không thể vay vốn do chưa đáp ứng được nhiều điều kiện của ngân hàng đặt ra.

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, các doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi cũng không nằm ngoài tình trạng trên. Nguyên nhân xuất phát từ đặc thù ngành chăn nuôi chứa nhiều rủi ro. Đại diện Công ty CP Rừng Việt Tây Bắc (Điện Biên) chia sẻ: Các ngân hàng nhất là ngân hàng thương mại cổ phần đang lựa chọn phương án kinh doanh quá an toàn. Nhiều ngân hàng xây dựng khung yêu cầu, điều kiện, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ mới cho vay vốn. Tuy nhiên, có ngân hàng không có sự thẩm định xác đáng ngành nghề, định hướng, dự án kinh doanh khả thi của doanh nghiệp để “nới lỏng” điều kiện cho vay.

“Ngân hàng rất muốn kích cầu tín dụng nhưng cũng hết sức thận trọng khi tung ra sản phẩm và lãi suất bởi khó tìm được khách hàng tốt. Hầu hết các ngân hàng đang dồi dào vốn nhưng doanh nghiệp vẫn “đói” vốn, bài toán này chưa tìm ra lời giải thỏa đáng”, báo cáo Ngân hàng ANZ nhận định.

Đại diện Hiệp hội DNVVN cho hay, để tháo gỡ điều này, phía ngân hàng và doanh nghiệp cần nghiêm túc thảo luận và quan trọng là mỗi bên chịu “lùi một bước”. Doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh rõ ràng, hiệu quả, cam kết tập trung kinh doanh mặt hàng mũi nhọn triển vọng sinh lời để ngân hàng tin tưởng. Ngân hàng không nhất thiết phải yêu cầu doanh nghiệp có tài sản thế chấp mới được vay tiền mà có thể chấp nhận lấy đối tượng vay làm tài sản thế chấp.

Còn dư địa để giảm lãi suất

“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 dù tăng song tính chung 3 tháng đầu năm 2015, lạm phát theo tính toán của các cơ quan chức năng vẫn âm 0,1%. Như vậy chúng ta vẫn có thể yên tâm giữ ổn định được lạm phát”, đại diện Tổng cục Thống kê (TCTK) nói.

Theo NHNN, lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đang ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, 8,5 - 11% đối với trung và dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay này thấp hơn thời kỳ 2005 - 2006. Một số chuyên gia ngân hàng cho rằng: Với triển vọng lạm phát được dự báo sẽ ổn định, NHNN Việt Nam sẽ có đủ dư địa để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong năm nay.

Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng thừa nhận, lãi vay hiện nay tuy đã giảm sâu song vẫn quá sức so với nhiều doanh nghiệp và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Lãi suất nên lùi về 5 - 6%/năm mới phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp và khi đó, tín dụng mới tăng trưởng được. 

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: Mặt bằng lãi suất cho vay cần giảm thêm để kích cầu sức mua cũng như nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân. Thế nhưng, hiện các ngân hàng vẫn chần chừ. Đại diện Agribank, Sacombank, Techcombank, Eximbank, DongA Bank… cho biết để giảm lãi suất họ cần thêm một thời gian nữa.

NHNN sẽ cố gắng giảm 1- 1,5% lãi suất cho vay trung và dài hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh điều hành về lạm phát năm nay được cảnh báo sẽ hết sức phức tạp. “Chúng tôi sẽ lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát ở 5% là mục tiêu cốt lõi. Nếu điều kiện cho phép sẽ hạ xuống thấp hơn một chút nữa để có dư địa hạ mặt bằng lãi suất”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, lãi suất giờ đây không còn là mối quan tâm số 1 của doanh nghiệp. Điều quan trọng là nền kinh tế khởi sắc, hàng hóa thị trường phải lưu thông, hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm thì họ mới “mặn mà” vay vốn. Nguồn vốn ưu đãi là cần thiết nhưng cần phải có sự hỗ trợ đồng bộ từ các cấp chính quyền, địa phương.

“Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt cứ theo phong trào, thấy cái gì làm được là người người, nhà nhà, tỉnh tỉnh làm cái đó. Chúng ta không có quy hoạch, mà quy hoạch lớn nhất là quy hoạch thị trường. Một nguyên tắc cơ bản là đừng bao giờ để dư thừa sản phẩm so với nhu cầu thị trường, khi đó giá sẽ giảm, ảnh hưởng đến mọi tính toán của doanh nghiệp”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói.   

“Việc giảm lãi suất huy động mới được các ngân hàng thực hiện trong đầu tháng 3/2015. Vì thế chỉ khi tiếp tục huy động được vốn rẻ thì ngân hàng mới có thể mở rộng cho vay với giá rẻ. Do đó, các ngân hàng đang cân đối lại vốn để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, độ trễ sớm nhất để giảm lãi vay cũng phải hơn 1 tháng”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Cao Sỹ Kiêm nói.


Minh Phương- Hải Yên




Thủ tục vay vốn cần thông thoáng hơn
Thủ tục vay vốn cần thông thoáng hơn

Tích lũy nông hộ thấp, không đủ sức để đầu tư máy móc thiết bị, khiến một vài năm trước đây, máy ngoại nhập chất lượng kém, giá rẻ hoặc máy đã qua sử dụng, đã đổ bộ tràn lan vào ĐBSCL.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN