Cụ thể, tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên đã giao quản lý, sử dụng là gần 2,9 triệu ha, chiếm hơn 87,8% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp; trong đó, giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 1,2 triệu ha, chiếm 40%; giao cho các tổ chức là 1,24 triệu ha chiếm 37,3%; giao cho các UBND xã gần 368.000 ha, chiếm 20,7%.
Trong khi đó, giao cho cá nhân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có 75.770 ha, chiếm 3,1% và giao cho cộng đồng đồng bào các dân tộc thôn, buôn, bon, làng 29.926 ha, chiếm 0,9% trong tổng diện tích rừng, đất rừng trên địa bàn.
Chăm sóc vườn cao su tại Công ty TNHH MTV cao su Chưmomray. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN |
Tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích rừng, đất lâm nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chủ yếu giao cho các ban quản lý rừng, các tổ chức và UBND các xã, còn giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng thôn, buôn quản lý bảo vệ chỉ có 36.055 ha.
Do công tác giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng còn hạn chế nên diện tích rừng, đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp vùng Tây Nguyên bị tranh chấp nhiều với hơn 282.896 ha diện tích, chiếm 8,43% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp; trong đó, tranh chấp trong diện tích đất đã giao quyền sử dụng đất là gần 200.000 ha. Số diện tích còn lại chưa được giao quyền sử dụng đất. Các tranh chấp tập trung chủ yếu tại các ban quản lý rừng phòng hộ, các doanh nghiệp Nhà nước và rừng do UBND các xã quản lý…
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy mô diện tích quản lý của các chủ rừng Nhà nước, đảm bảo sử dụng ổn định, có hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực quản lý của từng đơn vị. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đẩy mạnh hơn nữa việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp cho các hộ, nhóm hộ, cộng đồng thôn, buôn, bon, làng sinh sống gần rừng, nhất là ưu tiên cho các hộ, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu bằng nghề rừng.
Các tỉnh cũng xây dựng, phê duyệt giá rừng bình quân cho từng khu vực, từng địa bàn để tháo gỡ được “nút thắt” trong công tác giao rừng, cho thuê rừng, truy cứu trách nhiệm và bồi thường giá trị thiệt hại khi xảy ra mất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…. Đồng thời, làm căn cứ định giá rừng lần tiếp theo để cá nhân, tổ chức, người dân được hưởng lợi từ việc làm tăng trưởng trữ lượng gỗ hoặc để liên doanh, liên kết, thế chấp vay vốn…đầu tư quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững trên địa bàn.