Theo đề án, mỗi hộ đến tái định cư được hỗ trợ đầu tư xây nhà ở, tối thiểu là 50 triệu đồng/căn nhà; bố trí 400m2 đất ở và 600m2 đất vườn; bố trí 2 ha đất sản xuất. Ngoài ra, người dân còn được thụ hưởng các chế độ hỗ trợ ban đầu như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; kinh phí di chuyển nhà cửa; hỗ trợ gạo trong 3 tháng...
Điều quan trọng là điều kiện cơ sở hạ tầng gồm điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa thôn… phải được hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi cho các hộ tái định cư sớm ổn định cuộc sống, đi lại thuận lợi, có điều kiện thụ hưởng các dịch vụ về văn hóa, chăm sóc y tế.
Mặc dù đề án đã được phê duyệt, người dân đã sẵn sàng đến nơi ở mới nhưng hiện một số điểm nằm trong quy hoạch di dân tại huyện Ia H’Drai chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa…
Ông Tạ Duy Hoạch, trưởng thôn Ia Đơr, xã Ia Tơi cho biết: Thôn mới được thành lập từ đầu năm 2017 với 86 hộ dân. Nơi ở mới chưa đáp ứng được cơ sở hạ tầng, chưa có hệ thống điện; nước sinh hoạt chủ yếu là nguồn nước tự nhiên như sông suối… Nhìn chung, cuộc sống của người dân ở miền đất mới còn nhiều khó khăn.
Việc di dân vào điểm 64 tại thôn 9, xã Ia Tơi của 138 hộ dân tộc thiểu số của thành phố Kon Tum cũng gặp khó khăn. Các hộ này đều đã sẵn sàng cho việc di dời nhưng vì con đường đi vào thôn 9 khoảng 45 km rất khó đi, đặc biệt là đoạn đường độc đạo từ Ngã 3 Lâm trường Sê San (thôn 7) đến thôn 9, xã Ia Tơi khoảng 10 km lầy lội, hay bị chia cắt kể cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Việc đi lại khó khăn ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển vật liệu vào xây dựng cơ sở hạ
tầng cũng như việc trao đổi hàng hóa của người dân trong vùng với các vùng lân cận.
Theo ông Hà Văn Hơn, Trưởng thôn 9, xã Ia Tơi: Hiện đã có 130 hộ dân với trên 300 nhân khẩu đang sinh sống ở thôn 9. Điện đã được kéo vào tận thôn, nhưng con đường dẫn vào thôn 9 lại không thể đi được, có 2 đoạn đường khoảng chừng gần 100 m nếu đi xe gắn máy thì một người cầm lái dắt phía trước, một người giữ đuôi xe mới có thể vượt qua được. Chính vì con đường khó đi nên vào mùa mưa thôn 9 hầu như bị cô lập...
Do việc đi lại khó khăn, người dân thôn 9 cũng gặp khó khăn trong việc đưa người đau ốm đến các cơ sở y tế, đã có nhiều trường hợp người dân phải dùng ca nô đi đường sông đưa người ốm về huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai để cấp cứu.
Đề cập về những khó khăn trong công tác di dân đến thôn 9, xã Ia Tơi, ông Bùi Văn Nhàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai thừa nhận: “Tiến độ Dự án chậm do khó khăn về nguồn vốn là chính. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên về con đường dân sinh vào thôn 9 nhưng đến nay người dân vẫn vất vả khi đi qua cung đường này. Hiện, huyện mới hoàn thiện được hệ thống điện cho khu vực thôn 9, còn các hạng mục khác phải chờ chủ trương của cấp trên”.
Các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum cần quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần ổn định đời sống của các hộ dân đến nơi ở mới trong khuôn khổ Đề án di dân, bố trí, sắp xếp dân cư đến địa bàn huyện Ia H’Drai với mục tiêu “tốt hơn nơi ở cũ”.