Đồng bào Mông mòn mỏi chờ nhà di dân

Tại huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) đề án ổn định dân cư cho đồng bào Mông xóm Lũng Đắc, xã Quốc Phong, đã được khởi động từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chỉ là những bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện Quảng Uyên năm 2012, tất cả các hộ dân đang ở xóm Lũng Đắc sẽ được hạ sơn xuống khu vực Lũng Pán thuộc xóm Đà Vỹ Trên với diện tích hơn 5.000 m2 và thành lập một xóm mới là xóm Lũng Pán. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên khu đất mới chỉ xây dựng được tường rào, kè mương, nhà văn hóa và mỗi lô đất một nhà vệ sinh. Phần đất còn lại để xây nhà vẫn “nhường chỗ” cho cỏ dại mọc um tùm.

Người dân khá bức xúc vì tại khu đất đã được chia, nhà vệ sinh xây dựng từ năm 2013 đến nay đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng vẫn chưa thấy xây dựng nhà ở cho dân. Trong khi hơn 10 hộ dân đang sống trên núi cao và các hộ đã di chuyển xuống trước đang phải sống trong điều kiện khó khăn, họ mong sớm được di chuyển đến nơi ở mới để con em đi học gần nhà, giao thương buôn bán thuận lợi hơn.

Theo anh Ngô Văn Quân là một trong những hộ hạ sơn đầu tiên về xóm Lũng Pán. Từ năm 2011, gia đình anh muốn xây dựng chuồng bò, chuồng lợn để phát triển đàn gia súc, gia cầm nhưng xã và huyện khuyên: Nên đợi quy hoạch xây dựng xóm hạ sơn, huyện sẽ có chương trình hỗ trợ làm nhà và chuồng trại tổng thể. Đã 4 năm trôi qua, chuồng trại gia súc của gia đình anh vẫn chỉ dựng lên tạm bợ, dẫn đến chăn nuôi kém hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà cửa xuống cấp.

Cùng chung hoàn cảnh, gia đình anh Lương Văn Tinh, xóm Lũng Pán, chia sẻ: “Đầu năm 2013, hai vợ chồng tôi cũng muốn vay mượn để sửa nhà nhưng cấp trên bảo đợi thời gian nữa, chương trình hạ sơn của huyện sẽ hỗ trợ làm nhà mới theo quy hoạch, nếu sửa thì sau này cũng phải di chuyển đến nhà mới, lãng phí tiền bạc”.

Xóm Lũng Đắc được thành lập từ những năm 1990, với 100% số hộ là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Xóm có 16 hộ dân, trong đó 10 hộ chưa được chuyển xuống khu định cư mới. Cả xóm có 16 em trong độ tuổi đi học, nhưng vì đường đi lại chủ yếu là đèo, dốc, phải đi bộ xa nên số trẻ học mầm non đều không được đến trường. Các em lớn hơn hàng ngày phải đi bộ, vượt gần 10 km đường đèo xuống núi học chữ.

Trưởng xóm Lũng Đắc Hoàng Văn Phòng cho biết: "Một số gia đình có 2 con đang đi học, muốn dựng tạm lều ở khu đất được chia của mình để các con có chỗ nghỉ ngơi nhưng xã và huyện không cho. Tôi và các hộ còn lại đang rất mong xã, huyện tiến hành nhanh việc hỗ trợ cho chúng tôi làm nhà ở. Vì đã 3 năm nay con cháu chúng tôi phải đi học xa nhà".

Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Văn Hơn, Bí thư huyện ủy huyện Quảng Uyên cho biết, nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện Đề án chậm là do thiếu kinh phí. Cách đây gần hai năm, huyện xin được kinh phí hơn 700 triệu đồng nên đã xây dựng kè mương, nhà văn hóa, tường rào và nhà vệ sinh trước. Đến năm nay, huyện mới được hỗ trợ thêm 1,3 tỷ đồng, với số tiền này vẫn chưa đủ để giúp bà con xây dựng nhà. Đồng thời, huyện đang vận động cán bộ, công chức, viên chức của huyện ủng hộ và trích thêm kinh phí từ "Quỹ vì người nghèo" để xây dựng nhà và các công trình công cộng khác cho bà con nhân dân xóm Lũng Pán trong thời gian tới.

Quân Trang
Nhiều dự án nuôi bò ở Cao Bằng có nguy cơ 'phá sản'
Nhiều dự án nuôi bò ở Cao Bằng có nguy cơ 'phá sản'

Nhiều hộ nông dân chưa kịp mừng vì có thêm nguồn giống phát triển sản xuất đã phải lo lắng, vì đàn bò lai không thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán chăn nuôi đã chết hàng loạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN