Thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL

Cách làm ăn mới ở hợp tác xã nông nghiệp Thành Công

Mới thành lập hơn 2 năm, nhưng hợp tác xã nông nghiệp Thành Công ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú được Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh đánh giá là mô hình kiểu mẫu để phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Với cung cách làm ăn kiểu mới, hợp tác xã nông nghiệp Thành Công không chỉ mang lại lợi ích cho thành viên mà liên kết chặt chẽ với nông dân, giúp họ sản xuất bền vững, tăng thu nhập.

Lấy lợi ích của nông dân làm đầu

Đến thăm hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thành Công, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh thấy không khí làm việc nhộn nhịp của gần 100 lao động ở đây đã cho thấy sự ăn nên làm ra của HTX. Giám đốc HTX Từ Ngọc Ngà, cho biết: Làm ăn theo kiểu mới, lấy lợi ích của thành viên và nông dân làm đầu nên ai cũng nhiệt tâm trong công việc. Hai năm vừa qua, bình quân người góp vốn 100 triệu đồng được chia lợi nhuận 34 triệu đồng, đó là chưa tính khoản chiết khấu từ việc quản lý cung ứng vật tư nông nghiệp…

Trồng ớt ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

HTX nông nghiệp Thành Công được thành lập từ tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp vào cuối năm 2014 với 7 thành viên, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng và do giám đốc mới 35 tuổi đời Từ Ngọc Ngà quản lý điều hành. Qua 2 năm hoạt động, số thành viên đã tăng lên 18 người, số nông dân tham gia sản xuất cho hợp tác xã lên đến gần 300 người,

Theo anh Từ Ngọc Ngà, khi chuẩn bị các thủ tục thành lập HTX, anh đã chủ động chọn cây ớt chỉ thiên và cây cà nâu làm cây trồng chủ lực và đi tìm đầu ra cho sản phẩm, đầu vào vật tư nông nghiệp cho nông dân. Dám nghĩ, dám làm nên anh không gặp phải nhiều khó khăn ký kết được hợp đồng cung ứng sản phẩm với 3 công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và ký kết mua vật tư nông nghiệp với HTX Sao Mai tại thành phố Trà Vinh.

Chủ động được đầu vào, đầu ra, công việc còn lại là các thành viên HTX phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động ký kết với nông dân cung ứng vật tư, giống ớt, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Nông dân đăng ký tham gia trồng ớt trên cùng một xóm, ấp được liên kết thành 1 tổ hợp tác nhằm thuận tiện trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm.

Mỗi thành viên HTX được phân công đảm nhận một tổ hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ từ việc cung ứng vật tư, ớt giống, thu mua sản phẩm… Theo đó, thành viên nào vận động được nhiều nông dân tham gia sản xuất, cung ứng được nhiều vật tư nông nghiệp và sản phẩm thì được hưởng nhiều khoản chiết khấu. Kể cả hộ nông dân nếu tổ chức được tổ sản xuất của riêng mình để ký kết với HTX cũng được hưởng quyền lợi như thành viên.

Với phương thức làm ăn năng động nên 2 năm liền sản phẩm ớt chỉ thiên của HTX luôn đảm bảo ở mức 20 tấn/ngày để cung ứng cho các công ty. Nông dân trồng ớt bán cho HTX luôn đảm bảo được mức lợi nhuận thấp nhất 50 triệu đồng/ha theo giá bao tiêu và khi giá ớt thị trường tăng cao thì mức lợi nhuận tăng theo.

HTX hiện có diện tích đất 150 ha chuyên trồng ớt chỉ thiên và cà nâu, số lao động làm các công việc sơ chế ớt mỗi ngày hơn 100 người với mức thu nhập từ 60.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Ông Thạch Sô Phanh, nông dân trồng ớt cho HTX Thành Công, cho biết: Hai năm qua, ông ký kết trồng 3.000 m2 ớt chỉ thiên với giá bao tiêu 11.000 đồng/kg. Giá ớt trong 2 năm liên tục ổn định mức 15.000 đồng/kg, năng suất ớt đạt bình quân 25 tấn/ha, trừ chi phí năm nào ông cũng thu lợi nhuận gần 50 triệu đồng.

Hướng đến “cánh đồng lớn”

Theo ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Biên, với cung cách làm ăn kiểu mới của HTX Thành Công đã khuyến khích nông dân mạnh dạn xóa bỏ cây lúa vụ 3, thay vào đó là cây màu. Đây còn là mô hình giúp UBND xã định hướng rõ giải pháp để thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trong năm nay, UBND Ngọc Biên sẽ cùng với hợp tác HTX nông nghiệp Thành Công vận động nông dân tham gia sản xuất “cánh đồng lớn” cây cà nâu, ớt chỉ thiên để nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo mô hình mới để nhân rộng.

Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực nói trên, được biết đến nay, tỉnh Trà Vinh đã vận động khuyến khích xây dựng được 28 mô hình sản xuất cánh đồng lớn. Trong đó có 17 mô hình cánh đồng lớn trồng lúa với diện tích 3.3367 ha và 11 cánh đồng lớn trồng mía với diện tích hơn 272 ha.

Có thể nói việc vận động các tổ hợp tác, HTX tham gia sản xuất trong “cánh đồng lớn” là vấn đề được các chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Trà Vinh quan tâm và tập trung thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ trong thời gian qua. Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho rằng: “Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cánh đồng lớn của tỉnh nhằm phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần thúc đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ đối với tổ chức đại diện của nông dân tổ hợp tác, HTX khi thực hiện “cánh đồng lớn” trồng lúa được tỉnh Trà Vinh hỗ trợ chung cho các thành viên chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, tiền thuê máy móc sản xuất với mức 450.000 đồng/ha/vụ ở năm đầu và 300.000 đồng/ha/vụ năm thứ 2. Còn đối với “cánh đồng lớn” trồng cây công nghiệp ngắn ngày được hỗ trợ 380.000 đồng/ha/vụ năm đầu và 250.000 đồng/ha/vụ năm thứ 2. “Cánh đồng lớn” về cây ăn trái, cây dừa được hỗ trợ 600.000 đồng/ha/vụ và 400.000 đồng/ha/vụ năm thứ 2. Đối với hộ nông dân, cá nhân khi thực hiện cánh đồng lớn trồng lúa sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên được hỗ trợ 540.000 đồng/ha/vụ đầu tiên. Riêng “cánh đồng lớn” trồng các loại cây màu, gồm: Khoai môn hỗ trợ 4,5 triệu đồng/ha, khoai lang hỗ trợ 630.000 đồng/ha, ngô hỗ trợ 1.960.000 đồng/ha, rau ăn lá hỗ trợ 720.000 đồng/ha, rau ăn trái hỗ trợ 900.000 đồng/ha, ớt hỗ trợ 2.930.000 đồng/ha, bí đỏ hỗ trợ 1.350.000 đồng/ha,dưa hấu hỗ trợ 1.200.000 đồng/ha…
Bài và ảnh: Phúc Sơn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN