Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là Ban tổ chức 248) cho biết, cuộc vận động là dịp để các doanh nghiệp trong khu vực miền Tây Nam bộ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cách thức xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp từ thực tiễn để phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh để tạo niềm tin với thị trường trong hội nhập với kinh tế quốc tế.
Trước khi diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, Ban Tổ chức 248 cũng đã triển khai cuộc vận động cho các doanh nghiệp thông qua các hội nghị tương tự ở nhiều khu vực trên cả nước.
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Ban tổ chức 248 mong muốn triển khai cuộc vận động này đến các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giúp các doanh nghiệp ở khu vực này phát triển một cách bền vững. Qua đó, gây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo hình ảnh quốc gia và giá trị cốt lõi của thương hiệu.
“Nếu văn hóa doanh nghiệp làm tốt thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp bền vững và qua đó phát triển hiệu quả kinh doanh”, ông Tuấn nói.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Cần Thơ hiện có 7.749 doanh nghiệp ở các lĩnh vực, chiếm khoảng 26% doanh nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đã xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong hoạt động của mình với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Theo ông Hiển, UBND thành phố đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố làm đầu mối cùng với các sở, ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố cùng phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức 248 Trung ương triển khai thực hiện cuộc vận động trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng mong muốn Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nam bộ sẽ phối hợp thực hiện tốt Cuộc vận động; đưa Cuộc vận động đi vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời xây dựng, nhân rộng được nhiều điển hình tiên tiến về xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Sau hội nghị còn diễn ra buổi tọa đàm về văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay. Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận nhiều về những vấn đề đặt ra hiện nay đối với doanh nghiệp, đặc biệt là xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững, cũng như xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại 4.0 - thời đại có nhiều cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế.