Tuy chưa phải là khu vực trọng điểm dịch bệnh ở khu vực phía Nam nhưng trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, các tỉnh, thành Nam sông Hậu đều có ca mắc COVID-19 tăng cao. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, bước đầu tình hình dịch dịch bệnh trên địa bàn đang có dấu hiệu giảm xuống. Hiện các địa phương đang tích cực thực hiện các giải pháp cấp bách, quyết liệt hơn để khống chế dịch COVID-19, phấn đấu sau ngày 25/8 sẽ đưa các địa phương về trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết 86 của Thủ tướng Chính phủ.
Cô lập "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh"
Tại thành phố Cần Thơ, trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam sông Hậu, nơi có số ca F0 cao nhất khu vực Nam sông Hậu, lãnh đạo thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn để khống chế dịch bệnh.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ, thành phố phấn đấu đến ngày 25/8 sẽ kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16 toàn thành phố, cô lập "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh", các F0 được đưa đi điều trị kịp thời. Phấn đấu đến ngày 15/9, toàn thành phố sẽ thiết lập được trạng thái "bình thường mới", thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội".
Để làm được điều này, thành phố xây dựng chiến lược xác định sớm và bảo vệ chắc các "vùng xanh"; có biện pháp chuyển "vùng vàng" thành "vùng xanh", "vùng cam" thành "vùng vàng" và khoanh chặt, thu hẹp "vùng đỏ". Bên cạnh đó, Cần Thơ quản lý chặt việc ra, vào thành phố, tuyệt đối không để phát sinh các ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài; kiểm soát được các ca lây nhiễm trong cộng đồng, không để xuất hiện chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới và các ca không rõ nguồn lây; đồng thời, triển khai xét nghiệm có trọng điểm để tiếp tục bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Trước đó, thành phố Cần Thơ đã tổ chức thực hiện chiến dịch xét nghiệm cộng đồng trên toàn địa bàn của 9 quận, huyện từ ngày 9/8 đến ngày 17/8 với 3 đợt xét nghiệm. Qua đó, gần 980.000 lượt người đã được xét nghiệm test nhanh và hơn 4.300 người được xét nghiệm PCR. Kết quả xét nghiệm đã ghi nhận 387 người dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng và 204 trường hợp F0 trong khu vực phong tỏa. Thành phố đang tiếp tục triển khai xét nghiệm đợt 4 cho các khu vực có nguy cơ cao và rất cao nhằm bóc tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng để tổ chức đưa đi điều trị.
Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch cấp bách như: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển hàng hóa từ ngoài thành phố vào thành phố, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, đẩy mạnh công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên địa bàn...
Tính đến 17 giờ ngày 22/8, trên toàn địa bàn thành phố Cần Thơ đã có 243.416 người được tiêm mũi 1, đạt 19% và 8.128 người được tiêm đủ 2 mũi, đạt 0,7% trên tổng số dân. Trong 5 ngày gần đây, số ca F0 trên địa bàn thành phố đã giảm xuống ở mức 2 con số/ngày. Tổng số ca F0 tính đến cuối ngày 22/8 trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 3.713 ca, trong đó số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 2.030 trường hợp, số trường hợp tử vong là 62 người, trong đó có 14 bệnh nhân COVID -19 tử vong do nguyên nhân khác.
Không để phiếu đi chợ thành “giấy thông hành hợp pháp”
An Giang là địa bàn giáp ranh với Campuchia, là điểm "nóng" trước đây của tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại Campuchia, nhiều người Campuchia gốc Việt lo lắng đã nhập cảnh trái phép về nước. Tuy nhiên, gần đây, số ca mắc COVID-19 lây lan mạnh chủ yếu là do lây nhiễm từ những người từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ về và các địa phương lân cận.
Để phấn đấu đến 25/8, toàn tỉnh sẽ đẩy lùi được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố siết chặt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tuyệt đối không để người dân ra đường không lý do chính đáng, tổ chức tuần tra xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Kiểm soát chặt các phiếu đi chợ ở các chợ truyền thống, không để phiếu trở thành “giấy thông hành hợp pháp”; nơi nào dịch bệnh còn phức tạp, xuất hiện “ổ dịch” nguy hiểm, cần phong tỏa 24/24 giờ để sàng lọc, bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Người dân không ra khỏi nhà, địa phương thành lập các tổ “đi chợ hộ” đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho bà con.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương cần tận dụng thời gian 7 ngày giãn cách xã hội còn lại, để sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhằm thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam” và mở rộng “vùng xanh”. Đặc biệt, “kể từ 0 giờ ngày 20/8, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành và các địa phương của tỉnh An Giang thực hiện làm việc tại nhà. Ngoại trừ lực lượng công an, quân sự và y tế làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Chỉ cho phép trưởng hoặc phó trưởng cơ quan, đơn vị đến cơ quan để giải quyết công việc”.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, từ nay đến trước ngày 25/8, các địa phương cần phải tăng cường sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhằm thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam” và mở rộng “vùng xanh”; các địa phương tiến hành cho các hộ gia đình cam kết tuân thủ Chỉ thị 16/CT-TTg, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang phối hợp với các địa phương khảo sát các khu cách ly tập trung để đảm bảo đáp ứng các quy định phòng, chống dịch tránh tình trạng lây nhiễm chéo. Sở Y tế chủ động trong việc đề xuất UBND tỉnh mua sắm các thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch; yêu cầu các địa phương trinh tỉnh phải chủ động trong việc mua sắm, trang bị phương tiện chống dịch tại địa phương mình theo nhu cầu thực tế, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch.
Mặt khác, hiện nay, tỉnh An Giang đang thu hoạch lúa Hè Thu. Do đó, các địa phương và ngành Nông nghiệp tăng cường khuyến cáo, kiểm soát chặt các các trường hợp nuôi vịt chạy đồng, không để các trường hợp này di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, nhất là người từ ngoài tỉnh vào để tránh lây lan dịch bệnh...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, tính đến 6 giờ ngày 23/8, tỉnh An Giang có 1.446 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 9 trường hợp tử vong, là địa phương có số ca F0 nằm trong nhóm cao của khu vực Nam sông Hậu và đang có dấu hiệu tăng nhẹ trong những ngày gần đây.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát
Tỉnh Kiên Giang đang thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021.
Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất là thực hiện nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, "ai ở đâu ở yên đó" đồng thời đẩy nhanh công tác xét nghiệm cộng đồng và tiêm ngừa vắc xin.
Cụ thể đối với những địa bàn xác định là “vùng xanh” thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg trong phạm vi xã, phường và bảo vệ thật chắc vùng này. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thực hiện các biện pháp và có lộ trình cụ thể chuyển “vùng vàng”, “vùng cam” thành “vùng xanh” trong thời gian ngắn nhất, khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”...
Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác mà không khai báo theo quy định. Tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động của các chốt để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa người và các phương tiện từ các địa phương khác đến tỉnh nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn, nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị. Tiếp đến, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc 100% người dân tại các vùng đỏ, cam và vàng, các khu vực phong tỏa, khu vực tổ chức cách ly tập trung; lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc từ 30 - 50% người dân ở “vùng xanh” bằng cách kết hợp giữa test nhanh kháng nguyên với xét nghiệm theo phương pháp RT-PCR theo mẫu gộp. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm tiến độ nhanh, an toàn, hiệu quả.
Thời gian qua triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tỉnh Kiên Giang từng bước kiểm soát được dịch COVID-19. Đến nay, nhiều địa phương như thành phố Hà Tiên, các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất qua hơn 14 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm trên địa bàn các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận đã khoanh vùng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Tính đến tối 22/8, toàn tỉnh Kiên Giang đã có 696 ca F0, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Tỉnh đã hoàn thành 3 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19, với tổng số 328.000 liều và đang tiếp tục triển khai tiêm ngừa đợt 4 cho hơn 151.330 người dân.
Quản lý chặt “vòng ngoài”, tăng cường quản lý “vòng trong”
Trong đêm 22/8, tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện 4 trường hợp F0 liên quan đến nhân viên của Công ty tài chính F88, thuê trọ trên địa bàn thành phố Bạc Liêu. Theo nhận định, ca nhiễm có yếu tố dịch tễ phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương trong tỉnh nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất cao. Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều vừa ký Quyết định 1370/QĐ-UBND về việc thực hiện khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh áp dụng cách ly y tế toàn thành phố Bạc Liêu; thị xã Giá Rai và các huyện còn lại áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, kể từ 3 giờ ngày 23/8/ 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Y tế huy động cao nhất các nguồn lực để khẩn trương tổ chức xét nghiệm, tầm soát SARS-CoV-2 tất cả người dân đang trên địa bàn thành phố Bạc Liêu. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai các kênh phân phối, cung cấp đảm bảo điện, nước, lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh và các hàng hóa thực sự thiết yếu trên địa bàn.Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn giảm tối đa số lượng người đến công sở, trừ các trường hợp trực chiến và thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch và thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.
Tỉnh triển khai ngay các chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố Bạc Liêu; dừng mọi hoạt động kể từ 3 giờ cùng ngày, để tiến hành xét nghiệm toàn bộ thành phố Bạc Liêu. Đồng thời, triển khai ngay các đội chuẩn bị lương thực, thực phẩm sẵn sàng cung ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân. Thành viên Ban Chỉ phòng, chống dịch COVID-19 các cấp xuống ngay địa bàn để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh…
UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh quản lý thật chặt “vòng ngoài”, tăng cường quản lý “vòng trong” thông qua các tổ công tác, các tổ tuần tra, kiểm soát lưu động, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về công tác phòng, chống dịch; quan tâm theo dõi chặt chẽ, nhất là các địa bàn có yếu tố nguy cơ, gồm: Huyện Phước Long, huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi, huyện Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu; đồng thời đặc biệt quan tâm xử lý không để tập trung đông tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Trước đó, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 0 giờ ngày 23/8 - 5/9.
Thực hiện hiệu quả "Ba mũi giáp công chống dịch COVID-19"
Cà Mau là địa phương nằm cuối cùng của đất nước và có số ca nhiễm SARS-CoV-2 thấp nhất trong số các tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam, nhưng là tỉnh nằm trong nhóm nguy cơ cao có khả năng bùng phát dịch COVID-19, nếu địa phương chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Tỉnh này đang vận dụng linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể như ngay sau khi cơ quan chức năng phát hiện ca dương tính với SARS- CoV-2 đầu tiên, tỉnh đã kích hoạt nhiều chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang nhằm kiểm soát chặt chẽ người ra vào tỉnh; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, siết chặt hoạt động người từ vùng dịch về Cà Mau bằng đường bộ, đường sông, đường biển và cả đường mòn, lối mở nhằm đảm bảo tuyệt đối không để nguồn lây từ bên ngoài vào. Đồng thời, cơ quan chức năng nhanh chóng phong tỏa, khoanh vùng, phun hóa chất khử khuẩn tại nơi có ca dương tính với SARS-CoV-2, cách ly ca nhiễm theo đúng theo đúng quy định của Bộ Y tế và truy vết thần tốc các trường hợp F1, F2, F3... liên quan đến ca bệnh.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, gần hai tháng qua, kể từ khi tỉnh Cà Mau phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng triển khai, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Thời gian tới, lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, chung sức cùng hệ thống chính trị của tỉnh nhà sớm chiến thắng dịch bệnh, đem lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân dân và sự phát triển của tỉnh nhà…
Nổi bật là tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, giám sát địa bàn, cơ sở; đồng thời ban hành nhiều văn bản, quyết định chỉ đạo cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố rà soát các mặt công tác, tập trung thực hiện có hiệu quả phương án "Ba mũi giáp công chống dịch COVID-19" trong quãng ‘‘thời gian vàng’’ áp dụng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Mũi thứ nhất là xét nghiệm, sàng lọc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Khi phát hiện có ca mắc COVID-19 phải huy động ngay các lực lượng (kể cả y tế, công an, quân đội, thanh niên, hội chữ thập đỏ...) để khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, sàng lọc nhanh, chính xác, tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng ngay để thực hiện cách ly, điều trị theo quy định. Các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu test nhanh, tự theo dõi sức khỏe, phòng vệ cá nhân để an toàn và giảm áp lực cho nhân viên y tế. Các khu cách ly nên bố trí lực lượng phục vụ phù hợp, hạn chế bố trí nhân viên y tế nếu xét thấy chưa thật sự cần thiết; tiếp tục thực hiện chủ trương cách ly cá nhân tại gia đình và cách ly luôn hộ gia đình; chuẩn bị ngay các khu cách ly mới, có thể sử dụng khách sạn làm khu cách ly nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện, an toàn để giảm áp lực cho cơ sở cách ly tập trung của nhà nước.
Mũi thứ hai là bố trí lực lượng ngăn chặn người từ ngoài tỉnh vào. Các cơ quan, đơn vị chức năng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là công an, quân sự, biên phòng, dân quân tự vệ tiếp tục thực hiện kiểm soát, quản lý chặt người từ bên ngoài vào tỉnh; phát động phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ vùng giáp ranh (kể cả đường bộ, đường thủy, đường biển, đường mòn, lối tắt). Các địa phương rà soát lại địa bàn vùng giáp ranh, chỗ nào thưa, chỗ nào trống đề nghị bố trí tăng cường chốt, trạm cho phù hợp; bố trí lực lượng chốt, trạm từ nơi khác đến cùng với lực lượng địa phương và phối hợp với các chốt, trạm lân cận khác nhằm đảm bảo tốt đa công tác ngăn chặn, giám sát chặt địa bàn không để lọt người ngoài vào tỉnh. Các địa phương cùng với lực lượng công an, quân sự tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, tạo điều kiện hỗ trợ bố trí chỗ ăn, ở và các chính sách khác cho lực lượng trực chốt, trạm. Khẩn trương cấp mã quản lý xe trong tỉnh (mã xe phải gắn với tài xế); tăng cường quản lý chặt xe và người ngoài tỉnh về địa phương.
Mũi thứ ba là phát huy các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng. Các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt trong việc tổ chức, hoạt động Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, phát huy tối đa hiệu quả các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, nhất là tăng cường rà soát nắm chặt đối tượng, địa bàn theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", nắm chặt những gia đình có người làm việc, học tập sinh sống, điều trị bệnh ngoài tỉnh (số điện thoại, điều kiện kinh tế, tiền, lương thực, thực phẩm...) để có phương án hỗ trợ kịp thời, phù hợp để người dân ở lại tại chỗ, trường hợp người dân về địa phương phải ngăn chặn, phát hiện nhanh, quản lý chặt, khoanh vùng, đưa đi cách ly kịp thời theo đúng quy định của tỉnh đang áp dụng thực hiện...
Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh việc thực hiện công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo hướng giải quyết chính sách nhanh chóng, kịp thời, không cứng nhắc. Công tác vận động, quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 tập trung về một đầu mối là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đặc biệt là vận động, quyên góp tiền mặt và vật chất được các tổ chức ở huyện, thành phố vận động, quyên góp nên tập trung, phải đảm bảo phân phát ngay, tránh để hư hỏng, lãnh phí. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ động điều tiết nguồn quỹ cho quân sự, công an, các huyện, thành phố để hỗ trợ cho lực lượng phòng, chống dịch ở cơ sở, các chốt, trạm, tình nguyện viên, dân quân tự vệ, chiến sĩ công an, quân đội đi tuần tra, kiểm soát.