Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, cùng lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La và 250 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 1 triệu đồng bào của 11 dân tộc thiểu số trong tỉnh tham dự Đại hội.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Ban Chỉ đạo Đại hội Trung ương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh, Sơn La là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thách thức; cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động dịch vụ về văn hóa, giáo dục, y tế còn bất cập; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, tỷ hộ nghèo là dân tộc thiểu số vẫn khá cao; có nơi chất lượng dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu…
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị, trong thời gian tới Sơn La cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc làm cho các cấp, ngành cũng như nhân dân nhận thức rõ và kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu gây chia rẽ “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động. Trên cơ sở đó, tỉnh Sơn La củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cần thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng thành chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án và tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sơn La cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt những nơi khó khăn; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; tập trung giải quyết tốt nhu cầu đất sản xuất, nhà ở; giải quyết cơ bản tình trạng di cư không theo kế hoạch, thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt.
Mặt khác, Sơn La cần phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển hàng hóa dịch vụ xuất khẩu và du lịch; có chính sách ưu đãi các nhà đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế rừng. Tỉnh cầm quan tâm bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới…
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị, đồng bào các dân tộc thiểu số Sơn La cần phát huy tính tự lực, tự cường, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp; ra sức thi đua hăng hái lao động sản xuất để thoát nghèo vươn lên làm giàu một cách chính đáng.
Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hòa nhập và phát triển”, giai đoạn 2019 - 2024, Đại hội đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ là tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc miền núi, vận dụng hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số toàn diện, nhanh, bền vững. Trong đó, Sơn La tập trung xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cũng như các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là ở cơ sở vùng cao, biên giới, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc.
Tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân; phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc; thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, văn hóa và các phúc lợi xã hội khác. Sơn La coi trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sơn La phấn đấu đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4% năm; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm 4-5%/năm; thu nhập bình quân đầu người của người dân tộc thiểu số tại các xã vùng đặc biệt khó khăn tăng 2-3%/năm; tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP bình quân giai đoạn 2019-2024 tăng 6,5-7%/năm; giải quyết việc làm 108.180 lao động…
Đại hội cũng đã bầu các đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020; phát động phong trào thi đua về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc 2019 - 2024.
Sơn La là tỉnh miền núi, có 12 dân tộc sinh sống, trong đó 11 dân tộc thiểu số - chiếm 83,51% dân số toàn tỉnh. Năm năm qua (2014-2019), các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân tộc và chính sách dân tộc...
Nổi bật, từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hàng ngàn công trình giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà lớp học, chợ, kè; hỗ trợ nhu yếu phẩm, giống sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất; đào tạo tập huấn cho cán bộ xã và cộng đồng...
Tỉnh Sơn La có thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng, tăng gấp 1,34 lần so với năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 25,2%. Đến nay, 177 xã của tỉnh Sơn La có đường giao thông đến trung tâm đi được bốn mùa; 1.966 bản có đường giao thông được cứng hóa từ trung tâm xã đến bản; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 93,8%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%...