Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, triều cường còn duy trì ở mức cao trong những ngày tiếp theo, tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân, nhất là các huyện ven biển.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật diễn biến triều cường, các thiệt hại có thể xảy ra và biện pháp phòng tránh, thông báo đến các cấp, ngành có liên quan biết để chủ động hướng dẫn người dân ứng phó.
Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống, đập, trạm bơm để tiêu thoát nước, ngăn triều cường, bảo vệ sản xuất; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý, gia cố các vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở đất, các đoạn đê, lộ thấp, để phòng tránh các thiệt hại; tăng cường hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, chống tràn, các biện pháp tránh thất thoát thủy sản nuôi, bảo vệ sản xuất…
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố Cà Mau rà soát các vị trí, đoạn đường hỏng bị ngập, vị trí cống bị hư hỏng,... cắm biển cảnh báo để người tham gia giao thông biết, tránh để xảy ra tai nạn. Các đơn vị, địa phương khẩn trương chỉ đạo khắc phục các tuyến đường do địa phương quản lý ngay khi hết ngập; thống nhất với đơn vị quản lý về giải pháp sửa chữa, khắc phục các tuyến đường do Trung ương quản lý để thực hiện.
Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, thực hiện khuyến cáo của chính quyền địa phương, các quy định về phòng, chống tai nạn đuối nước. Đối với các địa phương có các khu vực bị ngập sâu cục bộ, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, lãnh đạo các đơn vị chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, trong đó chủ động điều chỉnh thời gian đến trường và tan học phù hợp diễn biến triều cường trên địa bàn; chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các điểm trông giữ trẻ tập trung, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh tổ chức đưa đón trẻ an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố Cà Mau theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về triều cường, thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó; tuyên truyền, khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ bao diện tích nuôi thủy sản, bảo vệ sản xuất.
Các đơn vị, địa phương hướng dẫn người dân bảo vệ hoặc di dời vật dụng, tài sản, hàng hóa, tránh bị ngập gây hư hỏng; thực hiện các biện pháp phòng tránh ngập gây thiệt hại tài sản, tài liệu của cơ quan, đơn vị; chỉ đạo việc khơi thông cống, rãnh thoát nước, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân. UBND các huyện, thành phố xảy ra thiệt hại do triều cường chủ động thăm hỏi, động viên, huy động lực lượng giúp dân khắc phục thiệt hại…
Trong 2 tháng vừa qua, tại các địa phương ven biển như Ngọc Hiển, Phú Tân và Năm Căn, triều cường liên tục dâng cao, gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Ghi nhận tại huyện Năm Căn, tình trạng triều cường dâng cao bất thường trong nhiều ngày mà đỉnh điểm là vào rạng sáng 18/11 đã làm xáo trộn tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống, sinh hoạt của người dân, một số điểm trường đã tại thị trấn Năm Căn phải cho học sinh nghỉ học.
Thực tế, tình trạng triều cường dâng cao không phải là hiện tượng quá xa lạ với người dân ven biển, tuy nhiên với tình hình thời tiết diễn biến bất thường, những đợt triều cường lên cao bất ngờ khiến người dân lo lắng.
Trước những diễn biến gần đây của thời tiết, ngành chuyên môn đã chỉ ra rằng, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp thì tình trạng triều cường dâng cao càng trở nên bất thường hơn đã ảnh hưởng đến đời sống - sản xuất của người dân, đặc biệt là những hộ dân sống ven các cửa biển.
Điển hình như tại huyện Phú Tân, để chủ động ứng phó triều cường và hạn chế tối đa thiệt hại, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chủ động be bờ, đắp đập hay xây dựng bờ kè bê-tông…, bước đầu có nhiều hiệu quả trong việc hạn chế sự thiệt hại do triều cường dâng cao. Điều này cho thấy sự chủ động của người dân trước sự diễn biến khó lường của thời tiết.
Tuy nhiên, những giải pháp căn cơ, đồng bộ để có thể thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp vẫn còn bỏ ngỏ. Những giải pháp hiện nay chỉ mang tính chất cục bộ, khó đáp ứng về lâu dài với một địa phương như Cà Mau, vốn có hệ thống sông ngòi chằng chịt, có nhiều cửa biển lớn...