Cà Mau: Cần giải pháp tổng thể chống sạt lở

Sạt lở ven sông, ven biển ở Cà Mau đang trở nên nghiêm trọng với quy mô, tần suất và mức độ thiệt hại đều tăng dần qua từng năm.

Ngày 12/6, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã nhấn chìm hoàn toàn 3 căn nhà của 3 hộ dân ở ấp Lạch Vàm, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) xuống sông. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Biển xâm thực mạnh khiến đai rừng phòng hộ đang mất, nhiều đoạn đê biển đối diện với nguy cơ bị vỡ. Trong khi đó, sạt lở đang lan rộng tại nhiều hệ thống sông, rạch khiến đất sản xuất, nhà ở của người dân, hạ tầng đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy...

Sạt lở lan rộng bất thường

Cà Mau phải chịu tác động của cả 2 chế độ thủy triều là nhật triều và bán nhật triều không đều, phần đất liền bên trong lại chia cắt bởi hệ thống sông rạch, kênh mương với tổng chiều dài gần 10.000 km, cùng hơn 87 cửa biển, cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển. Do đó, hiện tượng sạt lở bờ biển, ven sông diễn ra như một quy luật tất yếu mỗi khi bước vào mùa mưa bão.

Nhưng tình hình sạt lở hiện nay lại chỉ ra rằng, khái niệm “mùa sạt lở” đang dần không còn đúng, bởi sạt lở có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ đâu. Nếu những năm trước, tình trạng sạt lở chỉ xảy ra ở các huyện có cửa biển lớn thì năm nay, hiện tượng sạt lở xảy ra cả trên địa bàn không có cửa biển như huyện Cái Nước. Tại đây, sạt lở đã lấn sâu vào nội địa, ven những con sông và khu vực hợp lưu sông với tần suất tăng dần. Điều đó cho thấy xu hướng sạt lở sẽ còn tiếp tục mở rộng và diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra khoảng 70 vụ sạt lở đất ven sông, với chiều dài hơn 2.000 m và xói lở 100 km ven biển. Riêng trong tháng 6, thời điểm Cà Mau vừa bước vào mùa mưa, toàn tỉnh đã có 30 vụ sạt lở. Trong đó, bị ảnh hưởng nhiều nhất là các huyện ven biển như: Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn.

Những năm qua, xói lở bờ biển xảy ra với mức độ rất nguy hiểm và thường xuyên, tại nhiều đoạn, xói lở đã ăn sâu vào sát chân đê biển. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, ở khu vực bờ biển Tây, mức độ sạt lở từ 20-25 m/năm, đặc biệt có những nơi lên đến 50 m/năm; mức độ này ở khu vực ven biển Đông từ 45-50 m/năm. Trên toàn tuyến đê biển Tây từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển bị mất khoảng 4.000 ha và đang xuất hiện khá nhiều “điểm nóng”, nguy cơ làm vỡ đê biển Tây. Đặc biệt, 3 vị trí sạt lở rất nguy hiểm cần có giải pháp công trình bảo vệ khẩn cấp, như đoạn bờ Bắc vàm Tiểu Dừa - Bắc Hương Mai sạt lở với chiều dài khoảng 8,5 km; đoạn Nam Hương Mai đến bờ Bắc Khánh Hội chiều dài sạt lở khoảng 3,8 km; đoạn từ vàm Ba Tĩnh đến Kênh Tư sạt lở rất nguy hiểm có chiều dài hơn 13,9 km.

Trên khu vực ven biển Đông, tình trạng sạt lở cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng, hiện có khoảng 48 km sạt lở ở mức độ nguy hiểm, trong đó khoảng 24,5 km sạt lở rất nguy hiểm. Cụ thể như đoạn thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển: 3 km, đoạn từ Hốc Năng về phía rạch Nhà Phiếu, huyện Ngọc Hiển: 4 km, đoạn Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn: 1 km, đoạn Vàm Xoáy, xã Đất Mũi: 2 km; đoạn Hố Gùi khoảng 14,5 km.

Phát biểu tại một hội thảo được tổ chức tại tỉnh Cà Mau, Tiến sĩ Trần Văn Thái, Viện phó Viện Thủy công tính toán, với số liệu đo đạc được về tình trạng sạt lở ven biển Đông và Tây của tỉnh kể từ năm 1984 đến nay, Cà Mau đã mất khoảng 122 km2 đất, tương đương 17% diện tích đất nước Singapore.

Nguy cơ biến mất đê biển Tây

Từ ngày 18 đến 20/5/2018, liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân cư ngụ ven sông lớn thuộc các xã Lâm Hải, Hiệp Tùng và thị trấn Năm Căn (Cà Mau). Ảnh: Kim Há/TTXVN

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Long Hoai cho biết: Năm nay Cà Mau tuy chỉ mới ảnh hưởng của một vài cơn áp thấp nhiệt đới xa bờ, nhưng toàn bộ tuyến đê biển Tây đều xuất hiện sạt lở. Đặc biệt, 2 điểm sạt lở cực kỳ nguy hiểm là từ Đá Bạc đến Kênh Mới với chiều dài 1.304 m, đoạn bờ Bắc, bờ Nam Tiểu Dừa dài 150 m vì không còn rừng phòng hộ chắn sóng bảo vệ đê, sóng đánh trực diện vào thân đê. Nếu thời gian tới xuất hiện mưa bão, gây sóng to gió lớn, mức độ nguy hiểm sẽ càng tăng.

Theo nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Huấn, Viện Kỹ thuật Biển, hiện tượng sạt lở bờ sông, ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cà Mau nói riêng thực sự là lực cản lớn đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng đất phương Nam. Những tổn thất do xói lở bờ sông, bờ biển diễn ra trong thập niên qua rất nặng nề. Dưới tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ rừng phòng hộ, đê biển Tây có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Hiện tuyến đê biển Tây đang bảo vệ khoảng 26.000 hộ dân bên trong với trên 128.972 ha đất sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp. Phía bờ Biển Đông, hơn 76 km đai rừng phòng hộ ven biển đang che chở và bảo vệ hơn 260.000 hộ dân, với 130.000 ha đất sản xuất. Ông Nguyễn Văn Chánh, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: Những năm gần đây, tình trạng sạt lở ở địa phương ngày một nhanh và nghiêm trọng hơn. Nằm trong nhà có thể nghe tiếng sóng biển mỗi ngày một lớn và gần hơn, bởi chỉ qua một mùa gió chướng là sóng biển lấn vào đất liền 400-500 m. Nếu không có kè bảo vệ, chắc chỉ vài năm nữa phải di dời nhà cửa.


Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nhận xét: Trước kia, khu vực rừng phòng hộ còn cách đê hơn 1km, người dân còn sản xuất tôm xen canh dưới tán rừng, nhưng chỉ khoảng hơn 10 năm nay, sóng biển đã lấn đến thân đê. Dưới tác động của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, kết hợp triều cường, không chỉ có khu vực Đá Bạc đến Kinh Mới với hơn 1.300 m đê đang đặt trong tình trạng báo động cần hộ đê khẩn cấp, mà gần như toàn khu vực đê biển Tây cũng bị sạt lở.

Theo khảo sát thực tế, toàn tỉnh có 27 vị trí sạt lở, với tổng chiều dài 40 km, đe dọa đời sống và sản xuất, kinh doanh của hơn 1.047 hộ dân. Riêng địa bàn huyện Đầm Dơi, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 36 vụ sạt lở đất ven sông, làm thiệt hại, hư hỏng hàng chục căn nhà, đồng thời làm sụt hoàn toàn 8 đoạn đường đất đen và 13 đoạn đường bê tông, chiều dài hơn 1.100m, tổng thiệt hại hơn 4,1 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Đồng, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, chia sẻ: Vào mỗi mùa mưa bão, gia đình luôn sống trong cảnh phập phồng, lo sợ sạt lở. Những năm gần đây, hầu như năm nào gia đình tôi cũng phải sửa lại nhà, cá biệt có năm còn phải sửa đến 2 – 3 lần, nhưng không còn cách nào khác, vì gia đình chủ yếu sống dựa vào việc kinh doanh, mua bán ven sông.

Trong chuyến khảo sát tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại các địa bàn mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, trước mắt Cà Mau sẽ gắn biển cảnh báo địa điểm sạt lở nguy hiểm, đồng thời tuyên truyền, vận động di dời nhà cửa, tài sản của người dân khỏi vùng sạt lở và thực hiện tái định cư cho người dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai các biện pháp hộ đê khẩn cấp và thực hiện xây dựng kè bảo vệ đê biển Tây, khu vực bờ Nam và bờ Bắc Đá Bạc đến cống Kinh Mới theo cơ chế lệnh khẩn cấp. “Giải pháp chống sạt lở hiện nay không chỉ chú trọng xây dựng các tuyến kè, bởi ngân sách hết sức khó khăn, mà phải có sự vào cuộc của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và cả việc quy hoạch, sắp xếp lại dân cư”, ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Sạt lở đất ven sông làm sụp 6 nhà dân ở Cà Mau
Sạt lở đất ven sông làm sụp 6 nhà dân ở Cà Mau

Vào lúc 1 giờ ngày 16/6, tại khóm 8, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đã xảy ra sạt lở đất làm sụp 6 nhà dân, ước thiệt hại tài sản khoảng 800 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN