Đây là việc làm vừa hỗ trợ tốt cho công tác huấn luyện, diễn tập, vừa góp phần tăng gia sản xuất, tạo thêm nguồn thu.
Tại thao trường Đức Xuyên, huyện Krông Nô (Đắk Nông), sau gần 5 năm được trồng, chăm sóc và bảo vệ tích cực, những vạt sao đen, keo lai… đã phủ kín nhiều khu vực đất trống, đồi núi trọc. Bóng mát của những vạt rừng đã đẩy lùi không gian khô khốc, oi bức của một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất, nhì tỉnh Đắk Nông, nơi trước đây bị bỏ hoang do đất đai bạc màu, cằn cỗi, địa hình đồi dốc, khan hiếm nước tưới.
Theo Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 994, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, những ngày đầu bắt tay vào trồng rừng, đơn vị gặp khó khăn chồng chất, bởi vùng đất Đức Xuyên có lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài, mùa khô dài hơn mùa mưa và nhiều tháng liền, trời không mưa. Trong khi đó, khu vực thao trường được triển khai trồng rừng có đất đai bạc màu, đồi núi đá, giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cắt…
Nhưng với tinh thần không ngại khổ, không ngại khó và kỷ luật nghiêm của quân đội, không một cán bộ, chiến sĩ được phân công tham gia trồng rừng quản ngại khó khăn. Các cán bộ, chiến sỹ nỗ lực học hỏi phương pháp, kỹ thuật trồng cây, chăm sóc cây rừng trong điều kiện khô hạn gay gắt, thiếu nước tưới. Hai loại cây keo lai và sao đen được cân nhắc kỹ và lựa chọn sau khi được đánh giá là phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu tại khu vực này.
Đại úy Trần Lệ Mỹ, Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 301 chia sẻ, cả đơn vị xác định rằng phải chăm sóc, bảo vệ và bằng mọi giá để cây rừng sống qua mùa khô đầu tiên. Đây là giai đoạn khó khăn bởi cây mới trồng, rễ mới bén thì mùa khô đã tới. Bên cạnh việc sợ cây chết khô do nắng hạn, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị còn sợ cây chết cháy. Bởi việc cháy rừng trong mùa khô ở khu vực này là “chuyện bình thường ở huyện”.
Tuy nhiên, với phương châm nắm đúng nguyên tắc, xem trọng chất lượng, trồng cây nào tốt cây ấy, vượt qua những khó khăn về địa hình, thời tiết, bằng ý chí quyết tâm, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã trồng được khoảng 500.000 cây sao đen, keo lai trên diện tích hơn 250 ha. Hiện nay, gần 90% diện tích rừng trồng đã phát triển xanh tốt, phủ một màu xanh ngút ngàn, màu xanh “sự sống”, màu xanh đặc trưng của những người lính trên thao trường Đức Xuyên.
“Hàng năm, chúng tôi lên kế hoạch phát thực bì, đường băng cản lửa và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Các nội dung này được quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi nhấn mạnh ý thức, trách nhiệm và yêu cầu từng quân nhân đã xây dựng bản cam kết quyết tâm thực hiện nhiệm vụ phát thực bì và trồng rừng. Đến nay, với tinh thần “vượt nắng thắng mưa” phần lớn diện tích rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt” - Đại úy Trần Lệ Mỹ chia sẻ thêm.
Binh nhất Trương Văn Sự, Đại đội 11, Tiểu đoàn 301, cho biết bản thân anh nhận thức được việc trồng rừng rất quan trọng, góp phần tăng độ che phủ, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất tại thao trường. Mỗi cây rừng khi lớn lên cũng sẽ thành “người bạn” che bóng mát cho cán bộ, chiến sỹ trong huấn luyện, luyện tập. Vì thế, khi được giao nhiệm vụ đi trồng rừng, không ai bảo ai, anh em tự giác, tích cực tham gia với tinh thần, thái độ nghiêm túc nhất.
Ông Hồ Quốc Sử, một người dân cư trú lâu năm tại xã Đức Xuyên cho hay: Khu vực thao trường Đức Xuyên trước đây là rừng già với nhiều loại gỗ quý, hiếm. Trải qua hàng chục năm, rừng tại đây bị khai thác, tàn phá để lấy gỗ, lấy đất sản xuất. Những khu vực đất trống, đồi trọc đều có đất đai cằn cỗi, địa hình đồi dốc không phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Việc bộ đội trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc trên thao trường được người dân địa phương rất ủng hộ. Người dân nể phục ý chí và tinh thần chịu khổ, chịu khó của cán bộ, chiến sỹ bộ đội. Việc tái sinh rừng không chỉ “hồi sinh” vùng đất này mà còn góp phần cải tạo những khu vực đất đai lân cận, vốn ngày càng hoang hóa do hạn hán, biến đổi khí hậu.
Đại tá Trương Xuân Lai, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông cho biết, những vạt rừng xanh tốt trên thao trường Đức Xuyên hôm nay, mới chỉ là thành quả bước đầu. Đây là mồ hôi công sức của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh, với tinh thần đoàn kết, không ngại khó khăn gian khổ, thực hiện chức năng là đội quân lao động sản xuất, để biến vùng đồi núi cằn cỗi thành màu xanh của rừng, đúng với tinh thần "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như lời dạy của Bác. Theo Đại tá Trương Xuân Lai, phủ xanh, không để đất trống đồi trọc trên thao trường là việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa trong việc nâng cao độ che phủ rừng, góp phần hạn chế lũ lụt trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, mấy năm nay, công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ được nhiều đơn vị trong tỉnh chú trọng. Hàng nghìn héc ta rừng đã được trồng mới và sinh trưởng phát triển ổn định. Đây là những việc làm thiết thực góp phần hạn chế thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.