Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc - Bài 2

Theo quy định mà các tỉnh hiện nay đang thực hiện, khi diện tích cây cao su khép tán thì công ty cao su sẽ được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).


DÂN GÓP ĐẤT, MẤT TIỀN DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG


Người dân mất quyền lợi?

Những hộ dân ở xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đang được hưởng tiền chi trả DVMTR nhưng khi phá rừng để góp đất với Công ty CP cao su Lai Châu thì họ lại bị mất đi khoản tiền này. Thấy công ty cao su được hưởng tiền vốn trước kia nằm trong “hũ gạo” nhà mình, thì mọi người kéo nhau lên xã hỏi. Chính quyền xã thấy có lý, liền đưa thắc mắc của dân đi hỏi chính quyền huyện, nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Người dân góp đất trồng cao su không được hưởng khoản tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ông Chang Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Hoang Thèn than vãn: “Tôi là người lăn lộn xuống tận các gia đình để vận động người dân phá bỏ rừng trồng cây cao su. Khi người dân thắc mắc về việc không được hưởng tiền chi trả DVMTR, tôi đã hỏi huyện, hỏi công ty cao su thì được trả lời, khi người dân góp đất thì được ăn chia 10% lợi tức và công ty bỏ kinh phí đầu tư nên người dân không được hưởng tiền chi trả DVMTR nữa”. Theo ông Bình, tại xã Hoang Thèn, trong số 175 ha đất góp vào công ty thì diện tích rừng chiếm 50%, trong đó có 2 ha rừng phòng hộ đầu nguồn.

Tại Điện Biên, các công ty cao su chưa được hưởng tiền DVMTR, mặc dù diện tích cao su đã khép tán, theo lãnh đạo công ty cao su thời gian tới sẽ được hưởng khoản kinh phí này. Ông Hà Văn Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Điện Biên đưa ra quan điểm, cần chia công bằng các khoản thu từ diện tích đất góp của dân, ít nhất người dân cũng được hưởng 10% theo thỏa thuận góp đất. Đồng bào dân tộc, ngoài thu nhập ít ỏi từ ruộng và nương, còn dựa vào nguồn thu nhập chính là tiền chi trả DVMTR. Nếu các công ty cao su không ăn chia công bằng trong mọi nguồn thu, thì người dân sẽ không còn niềm tin với việc trồng và chăm sóc cây cao su nữa.

Gia đình anh Chang Minh Sơn, dân tộc Dao, ở xã Hoang Thèn cho biết, gia đình có gần 1 ha rừng trồng cây trẩu 7 năm tuổi, đang được hưởng tiền chi trả DVMTR, nhưng khi phá bỏ để góp đất trồng cây cao su thì không được hưởng khoản tiền này. “Tôi cũng tham gia trồng và chăm sóc vườn cây cao su, sao công ty được hưởng tiền chi trả DVMTR, còn tôi lại không được. Rừng tôi đã chấp nhận phá bỏ, để lấy đất góp với công ty, theo quy định sẽ được hưởng 10% lợi tức thì chúng tôi cũng được hưởng tiền chi trả DVMTR”, anh Sơn phân tích.

Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ (Lai Châu) rất khó khăn để vận động người dân trên địa bàn tham gia trồng rừng. Vì dân thắc mắc, tiền DVMTR trước kia được hưởng, phá rừng góp đất trồng cao su giờ lại mất quyền lợi, nên không nghe theo cán bộ trồng rừng nữa. Bỏ bao nhiêu tiền, công sức mới trồng được 1 ha rừng, nhưng khi có chủ trương trồng cây khác như cây cao su, thì dân lại phải phá bỏ. Ông Nguyễn Đình Hòa, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ, cho rằng: “Việc công ty cao su được hưởng 100% khoản tiền chi trả DVMTR là không hợp lý, vì các công trình công ích như đường, trường, trạm... do tỉnh ưu tiên đầu tư, vậy khoản tiền nhận về sẽ bỏ vào đâu, chi cho cái gì?”.

Tránh để dân bị thua thiệt


Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu), ông Mai Văn Thạch cho rằng, tất cả các khoản thu trên đất của diện tích cây cao su đều phải được ăn chia theo hợp đồng góp đất (công ty 70%, dân góp đất 10%), không thể công ty cao su sử dụng 100% tiền chi trả DVMTR. Việc người dân không được hưởng khoản tiền này trên diện tích góp đất là sai với quy định, tỉnh cần xem xét lại cho hợp lý, tránh để dân bị thiệt thòi.

Bà Tòng Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Lai Châu đánh giá việc người dân tham gia góp đất trồng cao su mà không được hưởng tiền DVMTR là mất công bằng trong ăn chia. Theo bà Hương, thời gian tới còn nhiều khoản hỗ trợ của Nhà nước cho diện tích trồng cây cao su, với đà này người dân sẽ bị chiếm hết quyền lợi. Tuy nhiên, các công ty cao su không nhất trí để người dân được hưởng số tiền DVMTR, vì công ty bỏ kinh phí đầu tư, người dân được hưởng lợi trong tiền ngày công chăm sóc. Về phía người dân, một mực nói làm như vậy là không đúng, vì tiền ngày công là do họ bỏ sức lao động vất vả để làm, chứ không phải ngồi chơi mà công ty cho hưởng.

Chi cục Lâm nghiệp Lai Châu thống kê, năm 2014, cả tỉnh hiện có hơn 7.000 ha cao su đủ tiêu chí được hưởng chính sách chi trả tiền DVMTR. Riêng Công ty CP cao su Lai Châu II có hơn 1.700 ha, trong 2 năm (2013 - 2014) đã được nhận gần 1,5 tỷ đồng tiền DVMTR. Đơn vị này cũng thống kê nguồn tiền này đã được sử dụng vào xây dựng các công trình phúc lợi và sửa sang lại đường liên lô, đường lô chạy trong vườn... Ông Nguyễn Hữu Phước, Trưởng phòng tổ chức Công ty CP cao su Lai Châu II, cho biết: “Chúng tôi sử dụng nguồn tiền chi trả DVMTR để đầu tư các công trình phúc lợi, chính người dân được hưởng lợi từ các công trình này. Tôi không đồng ý để ăn chia khoản thu này với người dân”.

Xem Bài 3: Chậm cấp sổ đỏ, dân góp đất thêm lo
Bài và ảnh: Việt Hoàng
Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc - Bài cuối
Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc - Bài cuối

Nói tới việc trồng cao su, anh Sơn lắc đầu nói “nghèo thêm thôi”. Anh Sơn kể một số hộ trong bản không góp đất, họ trồng cây ngô, cây chuối thì đã đổi đời, mua được xe máy và các vật dụng trong gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN