Tại đây, các doanh nghiệp có dịp gặp gỡ, phản ánh, kiến nghị những vướng mắc đang gặp trong sản xuất, kinh doanh; cùng đó đề xuất, hiến kế những cái hay, mô hình hiệu quả, giúp tỉnh nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ để kinh tế địa phương phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã ghi nhận nhiều ý kiến của các công ty, doanh nghiệp xoay quanh các vấn đề về: thuế, xây dựng, đất đai, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Cụ thể, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản phản ánh đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, do đó cần phải phân kỳ đầu tư theo hình thức cuốn chiếu theo từng giai đoạn. Vì thế, những vị trí trong dự án đã đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật thì chủ đầu tư mong muốn được thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Đồng thời, kiến nghị lãnh đạo tỉnh sớm ban hành bảng giá đất để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Lê Chí Tôn, đại diện Công ty Bình Dương Bạc Liêu cho biết, doanh nghiệp của ông có thực hiện dự án khu dân cư ven sông Hòa Bình (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). Dự án đã được cơ quan chức năng cho phép chuyển nhượng cho khách hàng, nhưng do chưa có bảng giá đất nên không thể chuyển nhượng. Điều này ảnh hưởng đến việc "sống còn" với doanh nghiệp.
Ông Ngô Xuân Pha, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Bảo Toàn cho biết, thời gian làm du lịch rất khó khăn, doanh nghiệp phải rất cố gắng để vượt qua, kiến nghị tỉnh có cơ chế giúp đỡ ngành du lịch.
Đối với dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cũng như mong tỉnh tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục tiếp cận và đầu tư xây dựng dự án trong thời gian sớm nhất; tỉnh quan tâm đầu tư, hoàn thiện và kết nối cơ sở hạ tầng giao thông; hạ tầng lưới điện; cấp nước sạch cho dự án. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kinh doanh về du lịch bày tỏ mong muốn được hỗ trợ vốn vay để mở rộng diện tích kinh doanh.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đã trả lời cụ thể các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Đối với các ý kiến về ban hành bảng giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường dự kiến hoàn thành và sẽ trình HĐND tỉnh xin phê duyệt vào khoảng tháng 5/2024. Đối với nhà ở xã hội, Bạc Liêu được phân bổ hơn 1.900 căn từ nay đến năm 2030. Riêng năm 2024 là 200 căn, phân bổ cho tất cả các địa phương trong tỉnh. Nếu các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các quy định, tỉnh sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiến cận dự án này. Riêng với việc kết cơ sở hạ tầng ở các dự án nhà ở, tiến độ kết nối cũng đã có phương án cụ thể theo từng giai đoạn xây dựng, hoàn thiện của doanh nghiệp và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành dự án thuận lợi.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu, các vấn đề doanh nghiệp đang quan tâm, cũng như những khó khăn, vướng mắc nêu ra trong buổi gặp mặt hôm nay, các sở, ngành, địa phương liên quan phải xem xét giải quyết nhanh, gọn trong thời gian sớm nhất, thông tin kịp thời đến các công ty, doanh nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Bạc Liêu ngày một phát triển.
Ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu và cộng đồng trách nhiệm, lãnh đạo tỉnh sẽ xem xét giải quyết tốt nhất các ý kiến, kiến nghị của các công ty, doanh nghiệp với phương châm “Việc gì khó dành cho chính quyền, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp”. Từ đó có hướng giải quyết tốt nhất các vướng mắc, giúp công ty, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi đầu tư xây dựng dự án, sản xuất kinh doanh…trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi gặp gỡ trao đổi này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu đã thông báo tình hình giải quyết các vướng mắc, khó khăn mà công ty, doanh nghiệp đã ý kiến, kiến nghị tại các buổi gỡ doanh nghiệp trước đó cũng như thông báo tiến độ giải quyết đến thời điểm hiện nay.