Chính quyền đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Chiều 16/2, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức buổi họp mặt, đối thoại doanh nghiệp đầu năm 2024.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu tại buổi họp mặt. 

Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và hơn 100 doanh nghiệp đại diện cho khoảng 4.000 doanh nghiệp của tỉnh.

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, năm 2024 là năm Sóc Trăng lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm trong cải cách hành chính và chuyển đổi số. Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong năm 2023, với tinh thần "Luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp", buổi họp mặt là dịp lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh; đồng thời nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; cùng nhau trao đổi những giải pháp để nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2024.

Tại buổi họp mặt, đối thoại doanh nghiệp, các đại biểu đã được thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và những ý kiến chia sẻ từ các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm qua. Đồng thời, các sở, ban, ngành cũng đã có ý kiến phản hồi về những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất, kiến nghị với tỉnh các vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; phát triển quỹ đất sạch để doanh nghiệp triển khai đầu tư, sớm hỗ trợ pháp lý về ngành may mặc, xuất khẩu của tỉnh; có chính sách hỗ trợ cho người dân học nghề và phát triển làng nghề truyền thống; hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã cấp mã vùng trồng và kho bảo quản sau thu hoạch cho cây ăn trái đặc sản của tỉnh.

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, năm 2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; kinh tế xã hội tỉnh Sóc Trăng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực: Tăng trưởng kinh tế đạt 5,77%, cao hơn bình quân cả nước (5,05%); Môi trường kinh doanh được cải thiện; Chỉ số PCI tăng 20 bậc (từ hạng 54 lên 34), đứng thứ 7 trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Sản xuất, tiêu thụ lúa trúng mùa, được giá; Thương mại dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá; Khách du lịch tăng 4%; Doanh thu dịch vụ du lịch tăng 4,5%...

Đặc biệt, Sóc Trăng đã hoàn thành sớm nhất giải phóng mặt bằng để khởi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Dự án Cầu Đại Ngãi. Cùng với Cảng biển Trần Đề, đây là hai công trình giao thông đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Sóc Trăng, tạo động lực và mở ra không gian phát triển kinh tế cho tỉnh.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050, là tỉnh thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành Quy hoạch tổng thể.

Thể hiện sự quan tâm và cầu thị, trong năm 2023, các cấp ngành tỉnh đã tổ chức 10 lần gặp gỡ, họp mặt và tiếp xúc trực tiếp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua các buổi tiếp xúc đã có 50 lượt ý kiến được doanh nghiệp phản ánh, trong đó có 49/50 ý kiến đã được giải quyết, còn 1 ý kiến giao cho ngành chức năng chuyên môn xem xét xử lý.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã tích cực đồng hành, chia sẻ cùng với tỉnh trong các chương trình an sinh xã hội, giải quyết việc làm và đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trong năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh giảm và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh còn tăng; quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ; nguồn lực về vốn, công nghệ, thị trường vẫn còn nhiều hạn chế… Những khó khăn, thách thức từ bên ngoài tác động không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Do đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, hơn lúc nào hết, cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà; phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh; chú trọng đầu tư hơn nữa cho công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho rằng, trong năm 2023, Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực tích cực trong đó có sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp, thể hiện qua giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 1,5 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh là xuất khẩu gạo đạt 450 triệu USD tăng 34%; chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước (cả nước đạt 4,8 tỷ USD) và xuất khẩu thủy sản đạt 925 triệu USD, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước (cả nước đạt 9 tỷ USD). Riêng xuất khẩu tôm đông lạnh chiếm gần 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là thành tích rất đang tự hào trong một năm đầy khó khăn do thị trường biến động do ảnh hưởng bất ổn chính trị, do rào cản thương mại…

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đánh giá cao những ý kiến tham gia, chia sẻ đầy tâm huyết của các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư; biểu dương những kết quả, sự đóng góp của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề ra giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiệu quả hơn trong thời gian tới. 

Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của đại diện các doanh nghiệp; chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét các ý kiến; giải quyết các kiến nghị và có văn bản phản hồi chính thức cho các doanh nghiệp; đối với các vấn đề vượt thẩm quyền sẽ cùng doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương…

Tin, ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)
Cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất
Cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất

Năm 2024, với việc ban hành riêng Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã phát đi thông điệp: Chọn cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, cải thiện mạnh mẽ. TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN