Do không có vốn để đầu tư sản xuất nên gia đình anh Hà Văn Xâm (dân tộc Mường) tại bản Cốc, xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa loay hoay mãi với cái đói, cái nghèo. Cuộc sống của gia đình dựa vào mấy sào luồng nhưng cũng bấp bênh năm được năm không. Năm 2000 được sự tư vấn của cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu. Điều kiện khí hậu và địa hình phù hợp để chăn nuôi trâu lấy thịt, cùng với nỗ lực thoát nghèo, mô hình nuôi trâu của gia đình anh đã phát huy hiệu quả. Năm 2023, anh tiếp tục vay 100 triệu đồng vốn Chương trình Sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đầu tư chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Hiện tại gia đình có 2 con bò, 8 con trâu trưởng thành, thu nhập bình quân mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình anh đã thoát được nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang và có cuộc sống ổn định.
Theo thống kê của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa, năm 2023, doanh số cho vay tín dụng chính sách ước đạt 159,8 tỷ đồng với trên 2.574 lượt khách hàng; trong đó 2.416 khách hàng là người dân tộc thiểu số. Vốn tín dụng chính sách được đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo việc làm cho nhân dân trên địa bàn huyện. Cụ thể tạo việc làm ổn định cho trên 175 lao động tại địa phương, giúp 64 người lao động là người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động tại Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc có thu nhập từ 17 - 30 triệu đồng. Trong năm có 1.707 khách hàng vay chăn nuôi trâu, bò...
Bà Hà Kiều Oanh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa cho biết, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm số hộ nghèo từ 3.094 hộ năm 2022 xuống còn 2.519 hộ theo số liệu rà soát cuối năm 2023, giảm 4,6% so với cuối năm 2022 và giảm 11% so với năm 2021.
Gia đình anh Phạm Văn Hùng (dân tộc Mường, thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh) bắt đầu phát triển kinh tế với mô hình trồng cam, bưởi từ năm 2014. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và vốn hạn hẹp nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2019, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lang Chánh, gia đình trồng thêm các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao như bơ, xoài, keo… Năm 2023, anh vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lang Chánh. Đến nay, mỗi năm thu nhập từ trồng cây ăn quả mang lại cho gia đình 200 - 250 triệu đồng tiền lãi, tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương.
Đến đầu tháng 12/2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lang Chánh đã giải ngân hơn 111 tỷ đồng, cho gần 2.100 đối tượng vay phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay để trồng rừng, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm với mức vay cao nhất là 100 triệu đồng. Qua kiểm tra, đánh giá hàng năm cho thấy, hầu hết người dân đều sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng vay vốn, hạn chế chi phí đi lại, Phòng đã thành lập 10 điểm giao dịch tại xã, thị trấn với 155 tổ tiết kiệm vay vốn.
“Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2023 giảm 11,62%, còn 19%; hộ cận nghèo giảm 5,48%, còn 32%. Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng chủ động, linh hoạt trong đổi mới phương thức làm ăn để tìm hướng thoát nghèo bền vững. Ngoài những cây trồng, vật nuôi truyền thống, người dân từng bước tìm tòi, học hỏi tiếp cận với những mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn…”, ông Lê Viết Toàn, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lang Chánh cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Thanh Hóa, trong năm 2023, Chi nhánh tiếp tục triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến nay đạt 13.650 tỷ đồng, tăng 1.510 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ khu vực miền núi đạt hơn 5.555 tỷ đồng, chiếm 41% tổng dư nợ toàn tỉnh. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,5 - 2%...