Tìm giải pháp cho vay, thu hồi nợ đúng pháp luật để tránh rơi vào bẫy 'tín dụng đen'

Theo các chuyên gia ngân hàng, người đi vay tín dụng tiêu dùng cần phải biết rõ công ty tài chính, ngân hàng cho mình vay; cần tìm hiểu những quy định và có hợp đồng cụ thể. Bên cho vay phải có nghĩa vụ cung cấp dự thảo phương án trả tiền vay cho người vay nghiên cứu, nếu sử dụng hợp đồng mẫu thì phải niêm yết tại văn phòng, chi nhánh giao dịch để người vay tham khảo.

Chú thích ảnh
Ngày  20/4, Báo Người Lao động tổ chức buổi tọa đàm "Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật” nhằm tìm ra những giải pháp giúp thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, bền vững và minh bạch.

Nhiều phát sinh từ "tín dụng đen"

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, cho vay tiêu dùng qua các kênh tín dụng chính thức như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ… đã và đang góp phần rất lớn vào việc đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của khách hàng cá nhân, hạn chế "tín dụng đen". Tuy nhiên, thời gian gần đây, những vấn đề phát sinh trong hoạt động thu hồi nợ từ một vài công ty tài chính hay sự vụ công ty cho vay tiêu dùng bị cơ quan công an kiểm tra đã tác động tiêu cực tới hình ảnh của các đơn vị cho vay tiêu dùng chính thống, thậm chí bị hiểu nhầm là "tín dụng đen". Vì vậy, để hiểu hơn về cho vay và thu hồi nợ đúng phát luật, người cho vay và người vay cần tìm hiểu kỹ các nội dung thông tin liên quan đến người vay và năng lực trả nợ.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua có tình trạng "tín dụng đen" núp bóng cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, fintech được cấp phép chính thống và đâu là "tín dụng đen". Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều văn bản thông tư liên quan đến hoạt động, quy định của pháp luật như Thông tư 39, 43 và phải được thực hiện, kiểm tra, giám sát trong vấn đề thu hồi nợ.

“Sắp tới để ngăn chặn tình trạng bỏ trốn không trả nợ, các tổ chức tài chính cần nâng cao nghiệp vụ thẩm định người vay; trong đó, điều kiện đầu tiên là tài sản bảo đảm và dòng tiền của người đi vay nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ”, luật sư Trương Thị Hòa đề xuất.

Chú thích ảnh
Luật sư Phạm Văn Đức, Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm chia sẻ ý kiến tại buổi toạ đàm. 

Tương tự, Luật sư Phạm Văn Đức, Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm cho biết, tình trạng "tín dụng đen" lôi kéo sinh viên, người nghèo thiếu hiểu biết cho vay với lãi suất 0% nhưng thực chất lãi suất rất cao, từ đó nảy sinh vấn đề lên mạng lập nhóm vay tiền rồi xù nợ. Sở dĩ tình trạng "tín dụng đen" phát triển là do "tín dụng đen" cho vay quá dễ dàng, chỉ cần có Căn cước công dân. Điều này dẫn đến hậu quả là người vay bỏ trốn, không trả nợ.

"Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đã mở đợt cao điểm trấn áp các công ty đòi nợ trái luật. Mới sáng nay, Công an quận Bình Thạnh vừa xử lý 6 công ty đòi nợ trái luật. Tuy nhiên, để tránh rơi vào tình trạng nợ nần từ "tín dụng đen", đối với người đi vay tín dụng tiêu dùng cần phải biết rõ công ty tài chính, ngân hàng cho mình vay, cần tìm hiểu những quy định và có hợp đồng cụ thể; còn bên cho vay cũng phải có nghĩa vụ cung cấp dự thảo vay cho người vay nghiên cứu, nếu sử dụng hợp đồng mẫu thì phải niêm yết tại văn phòng, chi nhánh giao dịch để người vay tham khảo", Luật sư Phạm Văn Đức nói. 

Liên quan đến tình trạng người lao động thường xuyên vay tiêu dùng và rơi vào vòng xoáy nợ nần, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân hiện nay rất lớn do người lao động phần lớn gặp khó khăn trong thu nhập sau giai đoạn hậu COVID-19. "Thực tế, có khá nhiều công nhân, lao động thu nhập thấp đang phải trả lãi suất cao vì vay "tín dụng đen". Nguyên nhân do nhiều người chưa thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi. Sắp tới, để người lao động tiếp cận được gói vay tiêu dùng ưu đãi, tránh được vòng xoáy nợ nần từ "tín dụng đen", các tổ chức tín dụng nhà nước cần khảo sát các đối tượng công nhân ở các ngành nghề và có những thiết kế lãi suất phù hợp hơn để giới thiệu đến người lao động rộng rãi", bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Để hướng người dân vay tiêu dùng đúng phát luật, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, tín dụng tiêu dùng là hoạt động không thể thiếu trong đời sống hằng ngày nên các tổ chức tín dụng cũng rất quan tâm. Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, thị trường tín dụng tiêu dùng có nhiều đơn vị cùng tham gia như ngân hàng thương mại, công ty tài chính… Vì vậy, để phát triển thị trường tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững, góp phần phòng, chống "tín dụng đen", trước mắt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đâu là "tín dụng đen" để không rơi vào vòng xoáy này. Về lâu dài, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cần có các gói tín dụng kịp thời để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân khi cần vay tiêu dùng; đồng thời các đơn vị, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh phòng ngừa và xử lý nghiêm "tín dụng đen".

Trong khi đó, theo bà Văn Thái Bảo Nhi, Giám đốc cấp cao, phụ trách xử lý nợ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), giai đoạn hậu COVID-19, khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn, khách hàng cá nhân thì nguồn thu nhập giảm sút, nhiều người có tài sản cho thuê gặp khó khăn phải xoay sở… Xu hướng nợ quá hạn, nợ xấu tăng và đây là thực tế mà các công ty tài chính, ngân hàng phải đối diện.

“Đối với một số khách hàng không có khả năng trả nợ, chúng tôi buộc phải có biện pháp mạnh hơn như khởi kiện ra tòa. Dù vậy, quan điểm của chúng tôi là thu hồi nợ đúng quy định pháp luật, làm tự thân và không thuê dịch vụ thu hồi nợ từ bên thứ 3 để xử lý. Ngân hàng luôn mong muốn trong bất kỳ khó khăn nào, vẫn muốn đồng hành cùng khách hàng".

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến tại hội thảo. 

Để hạn chế "tín dụng đen", ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, Hiệp hội đã có đề xuất tăng cường giải pháp tuyên truyền, tránh để khách hàng ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và công ty trái pháp luật. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần công bố rộng rãi danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý để người dân có nhìn nhận tốt hơn; cần truyền thông thêm nghĩa vụ người đi vay, rủi ro trả nợ không đúng hạn... 

Đối với các công ty tài chính, nên tiếp tục quảng bá hình ảnh công ty chính thống, hợp pháp và cần cải tiến văn hóa thu hồi nợ để tránh làm xấu đi hình ảnh cho vay tiêu dùng. Các công ty tài chính cũng cần đưa ra nhiều sản phẩm phong phú, hữu ích cho khách hàng, cụ thể là cho công nhân tại các KCX - KCN; đa dạng hình thức vay trả góp và mở rộng mạng lưới đến những vùng sâu vùng xa... Về lâu dài, Hiệp hội cũng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến cho vay tiêu dùng để có kiến nghị phù hợp nhằm tìm kiếm giải pháp tốt cho thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
12,5% doanh nghiệp phải vay 'tín dụng đen'
12,5% doanh nghiệp phải vay 'tín dụng đen'

Trong báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN