Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn kém sôi động trong thời gian tới

Theo dự báo của Trung tâm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dự kiến vẫn dồi dào, song thị trường sẽ kém sôi động hơn trong quý 2/2022 trước khi có các chính sách rõ ràng hơn.

Chú thích ảnh
Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong ngắn hạn, các chuyên gia của VnDirect cho rằng: Thị trường có thể trầm lắng trong 1 - 2 quý tới. Ảnh: TTXVN.

Những thay đổi về quy định pháp lý đã tác động mạnh đến thị trường Bộ Tài chính đang lấy ý kiến từ các chuyên gia về Dự thảo sửa đổi lần thứ 5, bổ sung Nghị định 153 và thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường với nhiều quy định chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận hơn đến kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ngoài việc quy định chi tiết hơn và chặt chẽ hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký/ thay đổi/ hủy bỏ giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán để phát triển thị trường thứ cấp; Dự thảo còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng, có thể tác động mạnh đến thị trường TPDN.

Đặc biệt trong tháng 4/2022, lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành giảm mạnh, khi chỉ ghi nhận 820 tỷ đồng (so với mức bình quân theo tháng trong năm 2021 là 26 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) thường chưa đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong quý I/2022 nên chỉ ghi nhận phát hành mới 9,7 nghìn tỷ đồng và tăng tốc phát hành trở lại trong tháng 4/2022 (18,6 nghìn tỷ đồng).

Các chuyên gia của SSI Research nhận định: Tác động tiêu cực của các sự kiện gần đây đã được nhìn thấy tương đối rõ ràng khi các đợt phát hành trái phiếu, bao gồm cả riêng lẻ và phát hành ra công chúng chủ yếu được quan sát thấy trong tháng 1/2022 (chiếm 51,8% tổng lượng phát hành). Hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong 2 tháng trở lại đây là hoặc là những doanh nghiệp niêm yết lớn hoặc là các tổ chức tín dụng và định chế tài chính, vốn đã chịu sự quản lý chặt chẽ từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tuy nhiên, khi đánh giá cả năm 2022, nhóm phân tích SSI vẫn rất lạc quan về nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp bởi một số yếu tố như: Môi trường lãi suất trong năm 2022 vẫn khá tích cực khi chính sách tiền tệ của Việt Nam đang có độ trễ so với các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới. Đồng thời, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh 2022 và 2023 là hai năm phục hồi kinh tế. Điều này khiến áp lực lên chi phí tài chính khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu là chưa lớn.

Số TPDN đáo hạn trong 2 năm 2022 - 2023 ước khoảng 540 nghìn tỷ đồng, và chiếm khoảng 36% lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Thời gian tới theo SSI, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy, nhu cầu huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến vẫn rất dồi dào.

Hiện có hơn 70% trái phiếu phát hành có lãi suất thả nổi theo lãi suất tại các ngân hàng. Trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đang có xu hướng tăng nhanh. Đó là chưa kể đến việc nhà đầu tư sẽ phải tính lại mức độ rủi ro của ngành bất động sản trong năm 2022. Lẽ đó, nhiều khả năng lợi suất TPDN đã tạo đáy trong năm 2021 và sẽ nhích tăng trong thời gian tới.

Đánh giá về thị trường TPDN trong ngắn hạn, Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect cho rằng: Thị trường có thể trầm lắng trong 1-2 quý tới do đang chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách, pháp lý được cơ quan quản lý Nhà nước ban hành trong thời gian tới; các doanh nghiệp phát hành, tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành, nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng, công ty bảo hiểm), cần thời gian để thích ứng với những thay đổi mới về mặt chính sách, pháp lý khi các Thông tư, Nghị định mới đi vào hiệu lực.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân cần thêm thời gian để ổn định tâm lý, suy xét và đánh giá tình hình thị trường trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Về nhóm ngành, theo VnDirect, giá trị phát hành TPDN riêng lẻ của nhóm bất động sản sẽ giảm dần trong một vài quý tới và nhường dòng vốn cho những doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thiết yếu. Thực tế, số liệu từ FiinGroup cũng cho thấy, không có một doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu trong tháng 4/2022 sau vụ lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh buộc phải huỷ bỏ.

Ngoài ra, với việc Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng sẽ cần có nguồn vốn đủ để đảm bảo tiến độ. Vì vậy, dự báo giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp của ngành xây dựng năm 2022 sẽ cải thiện hơn so với năm 2021.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia này, đối với các nhà đầu tư cá nhân, cần phải nhấn mạnh rằng bản chất vận hành của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là thị trường vốn, nghĩa là có rủi ro và lợi nhuận (lợi suất trái phiếu) được định giá trên cơ sở rủi ro. Do vậy, “điều quan quan trọng là có các cơ chế để tăng cường tính minh bạch hóa của thị trường để giúp nhà đầu tư có thể đánh giá tốt hơn những rủi ro có thể gặp phải”, đại diện SSI Research cho biết.

Theo các chuyên gia SSI, những điều có thể làm ngay, dựa trên các quy định sẵn có, bao gồm việc rút ngắn thời gian cấp phép cho việc phát hành ra công chúng, để doanh nghiệp không còn phải quá phụ thuộc vào phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, chuyên trang thông tin về TPDN tại Sở giao dịch chứng khoán cần được cung cấp thêm các thông tin như: Mục đích phát hành, lãi suất phát hành, các đơn vị trung gian tham gia vào hoạt động phát hành thay vì chỉ có những thông tin cơ bản như khối lượng và kỳ hạn như hiện tại. Kế hoạch triển khai sàn giao dịch TPD cần được nhanh chóng tiến hành nhằm yêu cầu các doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin một cách chuẩn hóa và dễ dàng tiếp cận đến nhà đầu tư.

“Chính phủ tạo điều kiện nhằm có thể điều hướng luồng vốn thông qua các tổ chức trung gian (quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp…). Mặt khác, việc phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm cũng là một yếu tố cần được xem xét, giúp thị trường có thêm nhiều thông tin hơn”, chuyên gia của SSI Research cho biết thêm.

Đề cập tới vốn TPDN bất động sản, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết: Thị trường TPDN có vai trò quan trọng hơn cả vốn trung – dài hạn của ngân hàng dành cho doanh nghiệp bất động sản. Vốn cho TPDN bất động sản linh hoạt hơn vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp bất động sản. Trái phiếu không trả gốc hàng tháng, chỉ trả lãi. TPDN có thể đảo nợ được nhưng tín dụng ngân hàng không đảo nợ được. “Việc đến hạn có thể phát hành trái phiếu đảo nợ là việc hợp lý, vì thời lượng trái phiếu quá ngắn. Có những dự án 5 - 7 năm, trong khi kì hạn trái phiếu có 3 năm”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết. 

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, khoảng 540.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn. Nếu siết quá mạnh thị trường TPDN có thể làm toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng. Khi thị trường này đóng băng thì chuyện gì xảy ra cho các ngân hàng thương mại, ông Nghĩa đặt câu hỏi?

Vì vậy, điều quan trọng nhất của thị trường TPDN là minh bạch, nhà đầu tư phải tự chịu rủi ro. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng các định chế xây dựng thị trường, nếu thị trường xuống thì có định chế mua vào để thị trường lên, nếu thị trường lên quá nóng thì bán ra cho thị trường đi xuống; giải pháp tiếp theo cần có chế tài mạnh chứ không nên hình sự hoá; tăng cường giám sát;  “Các báo cáo tài chính doanh nghiệp phải trung thực, hệ số nợ là bao nhiêu? Hiện doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu bao nhiêu trên hệ số nợ? TS Lê Xuân Nghĩa đặt câu hỏi. 

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết: Tinh thần chung là thị trường TPDN vẫn cần phải phát triển mạnh hơn nữa vì đây là kênh rất quan trọng để dẫn vốn cho doanh nghiệp. Để thị trường TPDN phát triển bền vững, cần hội tụ nhiều yếu tố như: nhà phát hành (báo cáo tài chính kiểm toán, tổ chức thẩm định giá); công ty chứng khoán (tư vấn phát hành); nhà đầu tư mua trái phiếu và cơ chế giám sát thị trường.

 

Số liệu của FiinPro (Hệ thống FiinPro gồm dữ liệu giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam) cho thấy: Trong nửa đầu tháng 5/2022 đã có 6.300 tỷ đồng TPDN được phát hành ở thị trường trong nước và 525 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần.

Nếu tính riêng phát hành thị trường trong nước, nhóm ngành ngân hàng chiếm phần lớn tỷ trọng phát hành trong nửa đầu tháng 5/2022. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất đạt 2.600 tỷ đồng; Ngân hàng Shinhan Việt Nam 1.800 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam phát hành 1.350 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á phát hành 500 tỷ đồng và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội phát hành 50 tỷ đồng.
Minh Phương/Báo Tin tức
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không để ‘con sâu làm rầu nồi canh’
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không để ‘con sâu làm rầu nồi canh’

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ Quốc gia, để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Việt Nam va cần kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa phải kiểm soát được rủi ro. Trước mắt, cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, cũng như tránh tạo tiền lệ xấu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN