Hơn 10 năm trước, thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam đã "rúng động" bởi vụ "Bầu Kiên" (Nguyễn Đức Kiên) thao túng ngân hàng liên quan đến Ngân hàng ACB. Bản án 30 năm tù cho bầu Kiên có thể xem như một lời "tuyên chiến" mạnh mẽ với lợi ích nhóm đang lũng đoạn trong hệ thống ngân hàng suốt một thời gian dài. Những tưởng sau vụ đó vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo ngân hàng sẽ phải chìm xuống bởi các quy định pháp lý được đặt ra chặt chẽ hơn. Thế nhưng đến nay sau hơn 10 năm tình trạng này vẫn đang khiến cơ quan quản lý "đau đầu", bởi việc xử lý không hề đơn giản và đang ngày càng biến tướng phức tạp hơn.
Hệ lụy là nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính ngân hàng lại bùng lên, đặc biệt khi sự kiện Vạn Thịnh Phát - SCB nổ ra hồi đầu tháng 10/2022. Đây cũng là một hệ lụy nặng nề nhưng tất yếu của tình trạng cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh để khắc chế.
Tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay sân sau... trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng chưa có biện pháp phòng ngừa. Đây chính là vấn đề đã làm nóng nghị trường khi Quốc hội bàn về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Điều đáng nói, sở hữu chéo đang có những biến tướng với các chiêu trò phức tạp và tinh vi hơn.
Phát biểu tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đã nêu lên thực trạng trên hệ thống ngân hàng hiện nay: Đó là sau ngân hàng A là thấy bóng dáng của ngân hàng A’ hoặc doanh nghiệp B - phần lớn là doanh nghiệp bất động sản… Thậm chí có đại biểu còn nhấn mạnh, đằng sau mỗi ngân hàng đều có nhiều đại gia chống lưng và cứ nhìn vào một ngân hàng thì sẽ thấy bóng dáng của một doanh nghiệp bất động sản phía sau.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng và các công ty tài chính, doanh nghiệp bất động sản, có sự "lách luật" về tỉ lệ sở hữu, lách cả hạn mức tín dụng cho một số doanh nghiệp...
Tình trạng này đang tiềm ẩn nguy cơ sở hữu chéo cao và là lực cản về cạnh tranh của các ngân hàng, cũng như sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Vậy nguyên nhân của vấn đề là ở đâu? những kẽ hở nào đang tạo điều kiện cho vấn đề trên vẫn diễn ra như vậy. Căn nguyên vấn đề liệu có phải nằm ở chỗ tỷ lệ sở hữu cá nhân và người có liên quan nắm giữ cổ phần hiện nay quá cao, và chỉ cần giảm mạnh chúng xuống sẽ giải quyết được vấn đề?.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Có thể thấy, sở hữu chéo là một mục tiêu di động, thậm chí "tàng hình". Các chủ ngân hàng có thể "phân thân" cổ phần thành cả "phả hệ". Và vì vậy, dù chỉ nắm giữ 1% cổ phần, nhưng họ vẫn có thể chi phối ngân hàng dễ dàng như "trở bàn tay".
Và vấn đề ở chỗ, các quy định chính sách hiện nay dường như vẫn chỉ đang nhận diện chủ yếu ở tỉ lệ sở hữu này để khắc chế. Sự nhận diện không xác đáng này có thể khiến không ai thấy "con voi trong phòng", đã làm lệch hướng trọng tâm bức xúc của dư luận hàng thập kỷ nay, rằng tại sao đã có biết bao nhiêu thông tư, nghị định và đoàn giám sát của Ngân hàng Nhà nước và bộ, ngành có liên quan, mà "con bệnh" vẫn ngày càng nặng thêm.
Trả lời tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã thừa nhận: "Chính phủ cũng đã rất quan tâm, tích cực tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý, nhưng cũng còn có những khó khăn, bởi vì vốn điều lệ nếu được công khai thì xử lý được ngay, nhưng trong thực tế thì có thể là đứng tên hộ, có thể là nhờ người khác đứng tên…".
Để khắc chế "căn bệnh" này, trước hết cần phải đặt trong khuôn khổ tổng thể các quy định luật pháp để hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả và cạnh tranh. Điều này dường như các chính sách hiện nay vẫn chưa đủ mạnh.
Đã có ý kiến cho rằng, dường như sở hữu chéo chỉ là "đặc sản" của Việt Nam. Đó là vì chúng ta chưa có phương án phòng ngừa căn nguyên của vấn đề mà mới chỉ khắc chế hiện trạng trước mắt. Trong khi đó, ở các nước, luật ngân hàng và các đạo luật có liên quan ở tìm cách hướng đến thiết lập một mạng lưới phòng ngừa rủi ro từ sớm, từ xa dày đặc để "bắt lưới" sở hữu chéo. Thậm chí, hầu hết các nước, như Mỹ, Anh, Trung Quốc… đều đặt ngân hàng dưới sự giám sát không chỉ của ngân hàng trung ương, mà còn ở một tổ chức giám sát thận trọng khác.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đề cập khá nhiều tới các vấn đề mang tính kỹ thuật như các quy định kế toán và tiêu chuẩn báo cáo tài chính hợp nhất… hay thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc giám sát các ngân hàng để ngăn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.
Để chấm dứt sở hữu chéo, các quy định tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này cần được quy định rõ hơn về vai trò giám sát đó. Một số quy định về cơ chế giám sát, can thiệp sớm và thẩm quyền của các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng cần được cụ thể và gắn trách nhiệm hơn.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng nên tuân thủ thông lệ quốc tế phù hợp với đặc thù Việt Nam. Không vì đặc thù Việt Nam mà bỏ sót quá nhiều thông lệ quốc tế, vô hình trung mang lại quá nhiều lợi ích cho các chủ ngân hàng. Chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi thực tế hiện nay đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tương tự như tập đoàn tài chính hoặc công ty mẹ - con, nhưng công ty mẹ là tổ chức tín dụng hoặc tập đoàn có thành viên là ngân hàng thương mại đang bắt đầu xuất hiện ở nước ta.
Cuối cùng, cũng cần có quy định, thiết chế xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi sở hữu chéo ngân hàng bởi thiệt hại ngành ngân hàng gây ra cho xã hội lớn đến mức có khi tính bằng phần trăm GDP. Sự thất bại hoặc biến mất của một ngân hàng gây ra hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế và niềm tin của người dân vào chính quyền.
Tại diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã khẳng định là cần "chấm dứt" sở hữu chéo, chứ không phải là "hạn chế "nữa. Đây là điều không cần bàn cãi và cần được nhìn nhận và sửa đổi căn cơ trong Luật các tổ chức tín dụng lần này.
Ý chí chính trị đã thể hiện rõ trong các chính sách của Đảng, Nhà nước và đặc biệt được thể hiện trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này. Chúng ta kỳ vọng, hệ thống ngân hàng sẽ phát triển an toàn, hiệu quả và sở hữu chéo, thao túng ngân hàng không còn là "căn bệnh kinh niên" như trong suốt thời gian qua.