Tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Tờ trình của Chính phủ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày đã nêu rõ sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật. Theo đó, việc xây dựng dự thảo Luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.
Việc xây dựng Luật để sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước...
Dự thảo Luật gồm 13 Chương, 195 Điều với những nội dung cơ bản về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; những quy định chung; về tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; về các nội dung liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng; các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể tổ chức tín dụng...
Về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại tổ chức tín dụng; bổ sung quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng trong phạm vi quyền, nghĩa vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước...
Bên cạnh đó, để xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động ngân hàng thời gian qua, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp như quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ; sửa đổi, làm rõ nội dung yêu cầu về kiểm toán độc lập; bổ sung nhiệm kỳ thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc), nhiệm kỳ của Thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
Xử lý tình trạng sở hữu chéo
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết: Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2), có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “can thiệp sớm” và “thanh lý, phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể về đối tượng áp dụng là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát, làm rõ khái niệm về tổ chức tín dụng; hoạt động ngân hàng, bao thanh toán, bảo lãnh và bổ sung một số khái niệm khác như vốn pháp định, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, dịch vụ ngân quỹ, giao đại lý...
Liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng (Chương III), Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ nguyên tắc xây dựng các nội dung tại dự thảo Luật có liên quan đến Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, không quy định lại các nội dung mà Luật Doanh nghiệp và Luật có liên quan (như Luật Hợp tác xã) đã quy định, chỉ quy định các nội dung có tính chất đặc thù riêng của các tổ chức tín dụng...
Về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng (Điều 50), đề nghị cụ thể hóa hơn tiêu chuẩn, điều kiện về đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, minh bạch, rõ ràng trong quá trình áp dụng pháp luật.
Về tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 55), Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần là một trong những biện pháp nhằm hạn chế sự can thiệp, chi phối của cổ đông lớn vào quản trị của tổ chức tín dụng, đồng thời tăng tính đại chúng của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ này; cần đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay; đồng thời đánh giá kỹ lưỡng tác động, nhất là đối với các cổ đông hiện hữu sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực và tác động đến thị trường chứng khoán.
Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, khắc phục những hạn chế, bất cập qua thi hành Luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến vào từng nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trong khi đó, dự thảo Luật quy định: Những người sau đây không được là Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Giám đốc công ty con của tổ chức tín dụng: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; Người đã bị kết án về tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên; Người đã bị kết án về tội xâm phạm sở hữu mà chưa được xóa án tích. Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị cần làm rõ sự thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật này và Luật Doanh nghiệp.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị quy định rõ hành vi bị cấm trong hoạt động ngân hàng, nghiên cứu để thể chế thêm một số quy định đối với các công ty tài chính của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân, phòng chống nạn tín dụng đen, để giảm tình trạng mất an ninh trật tự trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng nên có chương riêng quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam để xác định địa vị pháp lý của 2 ngân hàng này, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu, phát triển các ngân hàng này.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nội dung về trách nhiệm của Bộ Tài chính, phân định thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, những nội dung liên quan đến hoạt động phát hiện sớm, xử lý các tổ chức tín dụng, can thiệp các biện pháp đặc biệt. Ngoài ra, vấn đề tương thích giữa luật này với các luật khác như Luật Bảo hiểm tiền gửi, giao thoa giữa các lĩnh vực ngân hàng với bảo hiểm, ngân hàng với đầu tư chứng khoán, trái phiếu… cũng cần được tiếp tục thảo luận, nghiên cứu, làm rõ.