Kết thúc phiên chiều 7/3, VN Index tăng 10,66 điểm (tương đương 1,04%) lên 1.037,84 điểm. Toàn sàn HoSE có 210 mã tăng (4 mã trần) so với 160 mã giảm (13 mã giảm sàn). Ngược lại, bảng điện của rổ VN30 nghiêng hẳn về sắc xanh với 27/30 mã tăng so với 2 mã giảm (NVL, TCB) và 1 mã đứng giá (VIB).
Điểm ấn tượng trong phiên chiều 7/3 là nhóm cổ phiếu thép. Ngoài HPG (+3,43%) ở trong rổ VN30, hai cổ phiếu đầu ngành còn lại là NKG (+6,45%) và HSG (+4,89%). Bên cạnh thép, chứng khoán cũng là một nhóm có mức tăng ấn tượng trong ngày hôm nay. Rất nhiều cổ phiếu lớn của nhóm này như: HCM (+3,88%), SSI (+3,47%), VCI (+3,28%) hay VND (+2,53%) đều có riêng cho mình mức tăng rất chất lượng. Ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm. Trong đó, DIG (-4.78%) là cổ phiếu có mức giảm lớn nhất toàn nhóm; DXG (-2,78%) hay SCR (-2,10%)...
Đóng cửa phiên chiều 7/3, với 90 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index tăng 0,94 điểm (+0,46%) lên 207,50 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 44,97 triệu đơn vị, giá trị 695,07 tỷ đồng, giảm 11,5% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên 6/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,76 triệu đơn vị, giá trị gần 138 tỷ đồng. SHS vẫn là mẫ giao dịch tích cực nhất sàn với hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng 2,4% 8.500 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản 2 sàn niêm yết chiều 7/3 khá tốt, khớp thêm gần 4.609 tỷ đồng, tăng 49% so với phiên sáng 7/3, cao nhất trong 4 phiên gần đây. Theo đó, HoSE khớp tăng 51%, đạt 4.234 tỷ đồng. Tuy nhiên do phiên sáng giao dịch cùng ngày quá yếu nên tính chung cả ngày 7/3, thanh khoản HoSE và HNX chỉ tăng nhẹ 12% so với ngày 6/3, đạt 7.701 tỷ đồng.
Trong phiên chiều 7/3, khối ngoại vẫn duy trì vị thế mua ròng, dù mức độ không nhiều. Cụ thể: Khối này giải ngân thêm 661,4 tỷ đồng trên HoSE trong khi bán ra 584,3 tỷ đồng. Tính chung cả ngày 7/3, vốn ngoại mua ròng 158,7 tỷ đồng, dồn vào STB +65,9 tỷ đồng; CTG +39,9 tỷ đồng; HDB +36,5 tỷ đồng; HSG +24,7 tỷ đồng; SSI +22 tỷ đồng. Bán ra duy nhất HPG -523 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo: Trong kịch bản khả quan, chỉ số VNIndex chinh phục trở lại MA 20 ngày - thông số 20 ngày là biểu thị thời gian trong vòng 1 tháng giao dịch, đi cùng với sự cải thiện của thanh khoản, khi đó nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục mở rộng đà hồi phục với vùng mục tiêu gần là vùng 1.082 – 1.100 điểm.
Theo SSI, bức tranh kinh tế trong 2 tháng đầu năm nghiêng nhiều về gam màu chưa tích cực, khi hoạt động sản xuất phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhu cầu bên ngoài chậm lại và áp lực về lạm phát đè nặng lên tiêu dùng trong nước. Trên thị trường tiền tệ, lãi suất chưa thật sự hạ nhiệt. Điểm sáng trong giai đoạn này đến từ lĩnh vực đầu tư, với việc cả đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đều ghi nhận kết quả khá tích cực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm gần 8% trong tháng 2/2023 và chỉ còn tăng 1,7% so với đầu năm. Việc giảm mạnh hơn thị trường chứng khoán thế giới trong tháng vừa qua cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu tác động mạnh hơn từ rủi ro thanh khoản đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Dòng tiền vào thị trường chứng khoán đang hạn chế hơn giai đoạn trước.
“Trong ngắn và trung hạn, thị trường vẫn còn rủi ro tiềm ẩn và chưa có kỳ vọng bứt phá bởi thách thức từ bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn còn chịu áp lực biến động trong ngắn hạn do những diễn biến phức tạp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và biến số đến từ động thái của FED. Tuy nhiên, đợt giảm vừa qua của thị trường có thể đã phản ánh sớm phần nào các rủi ro này”, đại diện SSI nhận định.
Phía SSI cho rằng: Xét định giá, hệ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) hiện của VNIndex đang ở mức 13,5 lần, thấp hơn so với mức bình quân 10 năm (15,2 lần) nhưng chưa phải là mức thấp nhất. Điều này gợi ý khả năng thị trường vẫn còn dư địa biến động tiêu cực trong ngắn hạn, thế nhưng biến động kỳ vọng không quá lớn do đã phản ánh một phần ở đợt giảm tháng 2/2023.
Nhìn xa hơn, P/E ước tính cho năm 2023 của VN-Index đang ở mức 9,6 lần, tiến sát mức thấp nhất trong nhiều năm, phản ánh sự quan ngại về khả năng lợi nhuận của các công ty niêm yết năm 2023 sẽ yếu hơn dự kiến. Dòng tiền dài hạn sẽ bước vào giai đoạn tận dụng các nhịp điều chỉnh ngắn hạn chọn lọc và tích lũy dần cổ phiếu để hướng đến kỳ vọng phục hồi vào năm 2024, khi các thách thức vĩ mô giảm dần.