Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Việt Nam đang từng bước chuyển mình trở thành một xã hội không dùng tiền mặt, tiến trình này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nhờ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) sẵn sàng đổi mới, mang đến cho người tiêu dùng những giải pháp thanh toán số tiên tiến, sáng tạo. Theo đó, việc tích hợp thẻ tín dụng trả sau thành nguồn tiền thanh toán trong 3 ứng dụng ví điện tử phổ biến hàng đầu tại Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Cụ thể, đối với các SMEs, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc mở rộng tệp khách hàng, đồng thời thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng khi họ có nhiều lựa chọn thanh toán kỹ thuật số hơn.Trong khi đó, chủ thẻ tín dụng có thể tận hưởng khuyến mãi và ưu đãi do đơn vị phát hành thẻ triển khai như quyền lợi hoàn tiền, giảm giá hoặc tích lũy dặm bay.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó TGĐ VNPAY chia sẻ: “Với mong muốn mang đến cho khách hàng những dịch vụ tiện lợi, an toàn và đáp ứng đa dạng nhu cầu, ví VNPAY đã phát triển một hệ sinh thái tiện ích toàn diện, từ thanh toán, mua sắm đến di chuyển và giải trí. Đặc biệt, tính năng thanh toán qua mã VNPAY-QR đã trở nên quen thuộc với người dùng. Với việc hợp tác lần này, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi thanh toán không dùng tiền mặt trên ví điện tử”.
Theo dự báo của các công ty phân tích tài chính, cuối năm 2024, lượng người dùng ví điện tử tại Việt Nam có thể đạt trên 50 triệu ví, tăng 40% so với năm 2023. Nhiều ý kiến cho rằng, sức tăng này phù hợp với thị hiếu tiêu dùng khi ngày càng có nhiều người hưởng ứng loại hình thanh toán không tiền mặt. Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó phần lớn người dùng tập trung thanh toán ở Momo, Zalo Pay, Shopee Pay và VNPay.