Ngân hàng rục rịch ‘tiếp vốn’ cho doanh nghiệp cuối năm

Theo Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, thách thức lớn nhất đối với quá trình phục hồi của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện là khó khăn về dòng tiền. 

Chú thích ảnh
Có chuyên gia tài chính đề xuất: Ngành ngân hàng cần cho phép doanh nghệp có thể vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi dùng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng 1 năm, thay vì đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo. 

Hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn vốn

Việc thiếu vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân trong nước vào những tình thế cấp bách, khó khăn; ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực. Nhu cầu vốn vay để tiếp tục kinh doanh vẫn là số 1 hiện nay của nhiều doanh nghiệp.

Đại diện Ngân hàng MBS cho biết: Hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, MSB vừa tung ra gói giải pháp tài trợ chuyên biệt dành cho doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng lâu bền. 

Cập nhật dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy: Ngành hàng này hiện có khoảng 2.391 doanh nghiệp có quy mô doanh thu từ 20 – 1.000 tỷ đồng, hoạt động tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tốc độ tăng trưởng ngành đang ngày càng gia tăng do nhu cầu trải nghiệm cuộc sống được ưu tiên nhiều hơn. Chính vì thế, các mặt hàng kinh doanh phổ biến phục vụ đời sống luôn có nhu cầu cao, nhất là vào những mùa cao điểm. 

Theo MSB, giải pháp tài trợ chuyên biệt cho doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng lâu bền được ngân hàng thiết kế linh hoạt với đa dạng hình thức tài trợ như: Vay vốn ngắn hạn, bảo lãnh, LC..., đáp ứng đầy đủ nhu cầu kinh doanh theo mùa vụ của từng doanh nghiệp. Gói giải pháp có mức tài trợ đến 270% giá trị tài sản đảm bảo (TSĐB), tài trợ không TSĐB lên đến 200 tỷ đồng (trong đó hạn mức vay đến 100 tỷ đồng). 

“Khi tham gia gói tài trợ này, doanh nghiệp còn được hưởng lãi suất hấp dẫn, cạnh tranh với thời hạn bảo lãnh thanh toán tối đa 13 tháng. Giải pháp sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lớn, linh động để chủ động nắm bắt các cơ hội buôn bán trong năm, đặc biệt những mùa vụ kinh doanh sắp tới. Bên cạnh việc trợ lực kịp thời cho doanh nghiệp về nguồn vốn, gói giải pháp chuyên biệt của MSB còn mang đến cho khách hàng trải nghiệm số ưu việt như: Mở tài khoản online, chuyển tiền nhanh 24/7 trong 1 phút, giải ngân trực tuyến siêu tốc, chuyển tiền quốc tế, mua bán ngoại tệ, phát hành LC online…Đây là điểm cộng giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, nguồn lực so với phương thức giao dịch trước đây”, đại diện MSB cho biết.

Đại diện Vietcombank cho biết: Ngân hàng này quyết định giảm lãi tới 1,0%/năm đối với các khoản vay VND cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ 01/11/2022 đến hết 31/12/2022. Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…).

Trước đó, NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hạn mức cân đối nguồn vốn, tích cực giải ngân tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các TCTD phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

Đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian gói hỗ trợ; phát huy quỹ hỗ trợ

Chú thích ảnh
Nhu cầu vốn bảo đảm cho hoạt động sản xuất - kinh doanh luôn không thể thiếu.

Theo đề xuất của Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cần xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT); giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Bởi hiện nay, hầu hết ngành hàng đều nhận định hoạt động xuất, nhập khẩu cuối năm nay và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, nhất là các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi-măng... Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư ở châu Âu, Mỹ giảm mạnh.

Chi phí đầu vào cho sản xuất ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Tỉ giá USD/VNĐ tăng mạnh, lãi suất đi lên làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp nhích lên.

Chú thích ảnh
Xuất khẩu đồ gỗ đang gặp khó khăn.

Theo bà Phí Thị Hương Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp - Xây dựng (GSO), Chính phủ và các bộ ngành ngoài việc đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh bằng cách ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là nguồn cung nguyên liệu, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh chóng hơn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN).

Nhiều chuyên gia tài chính đề xuất: Cần sự vào cuộc của các Quỹ hỗ trợ DNVVN, Quỹ bảo trợ doanh nghiệp đã hình thành và hoạt động tại các tỉnh. Bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động, xây dựng kế hoạch hoạt động minh bạch để có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể: Nâng cao mức độ khả thi tín dụng, chú trọng xây dựng uy tín về mặt tín dụng như minh bạch sổ sách kế toán hoặc tích cực có những giao dịch qua ngân hàng, từ đó tạo hồ sơ tốt tại các tổ chức tín dụng.

Về lâu dài, Bộ Tài chính và NHNN nhất định phải xử lý xong vấn đề của trái phiếu và đưa trái phiếu trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và để hạn chế những cú sốc thanh khoản hiện nay cho doanh nghiệp và giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

*Clip chia sẻ của bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ với phóng viên báo Tin tức về khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian tới: 

 

Bài, ảnh, clip Minh Phương/Báo Tin tức
Khơi thông ‘điểm nghẽn’ vốn và nguồn cung cho thị trường bất động sản 2023
Khơi thông ‘điểm nghẽn’ vốn và nguồn cung cho thị trường bất động sản 2023

Những khó khăn, thách thức đối với thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2022 có thể kéo dài sang năm 2023, cho đến khi các vướng mắc về hành lang pháp lý, “điểm nghẽn” vốn và nguồn cung các dự án được khơi thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN