Nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng vốn do chậm được hoàn thuế

Ngày 25/11, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2022, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp ở khu vực phía Nam.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Bộ Tài chính, VCCI, Tổng cục Thuế, Hải quan đối thoại với doanh nghiệp. 

Tại đây, các doanh nghiệp đã nêu ra nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến thủ tục hành chi; trong đó, câu chuyện chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) được nhiều doanh nghiệp nêu lên tại hội nghị với mong muốn cần được tháo gỡ.

Theo bà Trần Đoàn Thanh Trúc, đại diện Công ty cổ phần Tôm Miền Nam (Bạc Liêu), doanh nghiệp có trụ sở hoạt động chính ở tỉnh Bạc Liêu và có chi nhánh tại tỉnh Cà Mau. Công ty đang hoạt động theo chế độ hạch toán phụ thuộc - tập trung 100% tại trụ sở chính tỉnh Bạc Liêu. Cuối năm 2019, công ty có thực hiện dự án đầu tư mở rộng tại nhà máy thuộc chi nhánh Cà Mau và dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

“Phần thuế giá trị gia tăng phát sinh của dự án đầu tư mở rộng khác tỉnh, nhưng hạch toán phụ thuộc thì công ty có đủ điều kiện để hoàn phần thuế này theo hình thức hoàn xuất khẩu không? Chúng tôi rất mong nhận được sự hướng dẫn của lãnh đạo Tổng cục Thuế để công ty được hoàn lại phần thuế này, chia sẻ phần nào khó khăn cho hoạt động trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại”, bà Trúc nói.

Ông Tomoki Kawasaki, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Khánh Hoà) cũng cho biết, công ty này đang gặp nhiều khó khăn đến từ việc chậm hoàn thuế.

Theo ông Tomoki Kawasaki, việc chậm hoàn thuế VAT của công ty kéo dài đến nay đã 2 năm, do nghịch lý doanh nghiệp chưa có giấy phép về điện lực, bởi theo Luật Điện lực, giấy phép chỉ được cấp khi dự án đi vào hoạt động. Trong khi đó, dự án của công ty đang trong giai đoạn đầu tư, thời gian đầu tư phải mất 4 - 5 năm mới có thể đi vào hoạt động.

“Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/9/2022 quy định rõ về hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nghị định đã có nhưng cơ quan thuế địa phương vẫn chậm với lý do họ chờ Thông tư hướng dẫn của Tổng cục thuế”, ông Tomoki Kawasaki cho biết.

Việc kéo dài hoàn thuế hai năm khiến doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn, do phải huy động nguồn vốn để bù đắp lại khoản chưa được hoàn thuế VAT, phát sinh chi phí lãi vay. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đang thua lỗ vì chênh lệch tỷ giá. Vì vậy, đại diện Điện lực Vân Phong kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thuế địa phương triển khai nhanh.

Chú thích ảnh
Đại diện doanh nghiệp nêu vướng mắc về chính sách thuế, hải quan. 

Tại hội nghị, ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến chính sách thuế và hoàn thuế.

Riêng đối với trường hợp của Công ty Điện lực Vân Phong, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, công ty này được hoàn thuế VAT, nhưng ngành điện lại ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với quy định ngành điều kiện, Bộ Tài chính hiện đang phối hợp các Bộ chuyên ngành để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, như ngành điện đầu tư chi phí rất lớn.

Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, mới đây vào ngày 23/11/2022, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có công văn số 12299/BTC-TCT về hoàn thuế dự án đầu tư. Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế, các chi cục thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế dự án và thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 49/2022/NĐ-CP để xem xét giải quyết kịp thời, đúng pháp luật về hoàn thuế dự án đầu tư.

Ngoài vấn đề hoàn thuế, tại hội nghị các doanh nghiệp cũng nêu lên nhiều vấn đề khó khăn khác. Bên cạnh một số trường hợp cụ thể của doanh nghiệp, cũng có nhiều kiến nghị bắt nguồn từ một số thay đổi trong các văn bản luật, nghị định hướng dẫn, việc áp mã HS, mã số mã vạch, hàng quá cảnh, các mức thuế, phí, quy trình hoàn thuế phí… cũng được các doanh nghiệp kiến nghị hướng sửa đổi cụ thể.

Bài và ảnh: H.Chung (TTXVN)
Kiên quyết đấu tranh chống gian lận trong hoàn thuế VAT
Kiên quyết đấu tranh chống gian lận trong hoàn thuế VAT

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào để lập hồ sơ xin hoàn thuế VAT đối với hàng hóa xuất khẩu là thủ đoạn đã được ngành Thuế nhận diện và đấu tranh quyết liệt. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN