Cùng đó, hàng loạt “trợ lực” chính sách từ Chính phủ, các bộ, ngành đang dần “thẩm thấu”, giúp thị trường bất động sản giảm bớt khó khăn. Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó, đánh giá tổng thể thị trường, việc triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách có liên quan đến thị trường bất động sản, đất đai, xây dựng, vốn…Đồng thời, yêu cầu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Các chuyên gia nhận xét, những yếu tố này tiếp tục gia tăng lực đẩy, tạo “cú huých” mới để thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn, an toàn và bền vững hơn. Điều này cũng cho thấy, các chính sách hỗ trợ đang dần phát huy tác dụng.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định: thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, trong đó có cả tài chính; đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, giao dịch và tháo gỡ những vướng mắc chính cho các dự án.
Theo ông Lực, thị trường đang dần hồi phục kể từ tháng 5/2023 cho đến nay, quý II tốt hơn quý I. Các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy khoảng 76% vào thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư cũng đánh giá, giá cổ phiếu bất động sản tăng 18% còn giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng tăng 39%. Nhiều dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý, thủ tục đã được tháo gỡ ở các địa phương.
Riêng với việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được nhiều chuyên gia đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. So với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm tới 3-4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động giảm mạnh sau 4 lần
Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cộng với bối cảnh ngân hàng đang dồi dào thanh khoản. Mặt bằng lãi suất hiện đã về ngang với giai đoạn nửa đầu năm 2022.
Theo dự báo của các chuyên gia Công ty CP WiGroup - một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dữ liệu kinh tế tài chính, tin tức, báo cáo và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam thì thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến rõ nét kể từ cuối quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024. Nếu so với giai đoạn trước đó thì diễn biến thị trường ở thời điểm này tương tự như năm 2014 - 2015.
Hiện tâm lý của nhà đầu tư đã tốt hơn, thủ tục đầu tư dự án được quan tâm tháo gỡ, các ngân hàng giảm lãi suất, nguồn tiền đổ vào đầu tư bất động sản không bị hạn chế, ngân hàng nâng hạn mức cho vay, giải ngân đầu tư công tăng tốc, kích thích tiêu dùng, du lịch... Hàng loạt yếu tố này đang giúp giao dịch bất động sản tăng lên.
Đáng chú ý là một số trường hợp khó khăn điển hình như của Novaland cũng được tháo gỡ với sự nhập cuộc liên thông từ các bộ ngành tới địa phương. Do đó, các dự án dở dang được khởi động trở lại kể từ tháng 4 và 5 như The Grand Manhattan, NovaWorld Phan Thiết và Hồ Tràm; gần đây là Aqua City... Điều này giúp doanh nghiệp tháo được ách tắc về tài sản bị "buộc" thế chấp, bổ sung bảo đảm thêm cho các khoản vay trên thị trường nợ...
Theo phân tích của WiGroup, lãi suất cho vay giảm về mức thấp hơn sẽ là động lực chính cho toàn ngành bất động sản vực dậy. Hiện lãi suất huy động đã điều chỉnh từ quý I/2023 nhưng diễn biến lãi suất cho vay có độ trễ những vẫn tiếp tục giảm. Cùng đó, hành lang pháp lý được tháo gỡ giúp khơi thông lại nguồn cung bất động sản. Phân khúc nhà ở xã hội được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng là chất xúc tác quan trọng đối với thị trường.
Liên quan đến lãi suất ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, vào cuối năm 2022, mức lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đạt mức cao nên người dân bắt đầu chuyển sang gửi tiết kiệm tiền nhàn rỗi vào ngân hàng sau thời gian dài đổ vào bất động sản, khiến thị trường này bị mất thanh khoản.
Nhưng cuối năm 2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và đây là lúc nhà đầu tư quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. Nếu niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hang. Còn nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm xuống mức dưới 10% vào thời điểm cuối năm nay thì nguồn tiền nhàn rỗi này có thể quay trở lại, giúp thị trường hồi phục.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, nếu lãi suất cho vay giảm áp dụng với cả khoản vay mới và cũ sẽ giúp áp lực tài chính của các nhà đầu tư giảm xuống. Theo đó, không còn tình trạng giảm giá, bán bất chấp sản phẩm bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền. Nếu lãi suất huy động được điều chỉnh xuống mức 5%, dòng tiền đầu tư sẽ được rút ra khỏi ngân hàng để quay trở lại làm tăng đầu tư, giao dịch trên thị trường bất động sản.