Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) vừa công bố dành gói vay ưu đãi quy mô 1.000 tỷ đồng để cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với lãi suất giảm đến 2%/năm. Theo đó, từ nay đến 31/12/2023, khách hàng SME vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn tại BVBank sẽ được áp dụng lãi suất từ 8,5%/năm.
Đây là gói tín dụng thứ 2 liên tiếp được BVBank công bố chỉ 1 tuần sau khi triển khai giảm lãi suất vay 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân với quy mô 7.000 tỷ đồng. Trong đó, BVBank dành 1.000 tỷ đồng cho khách hàng hiện hữu trên 12 tháng với mức ưu đãi lãi vay giảm đến 2%/năm; 4.000 tỷ đồng cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, mua nhà đất, sửa chữa nhà và tiêu dùng lãi suất linh hoạt từ 8,8%/năm hoặc cố định từ 9,9% trong 3 tháng đầu và 2.000 tỷ đồng cho vay nhằm kích cầu mua sắm tài sản tích lũy và kích cầu tiêu dùng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) cũng dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn, bao gồm sản xuất nông nghiệp và vay tiêu dùng phục vụ đời sống như: mua, xây, sửa bất động sản... Lãi suất ưu đãi Sacombank áp dụng từ 7,5%/năm với vay sản xuất kinh doanh và từ 9%/năm với vay tiêu dùng. Đặc biệt, nếu khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở đảm bảo điều kiện cần thiết, mức lãi suất cho vay chỉ từ 8%/năm.
Hay tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), khách hàng cá nhân vay vốn để sản xuất kinh doanh ngắn hạn sẽ được áp dụng lãi suất từ 7,5%/năm, vay mua nhà đất và ô tô lãi suất từ 8,5%/năm. Tổng gói tín dụng ưu đãi lên đến 5.000 tỷ đồng. Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp đối với khách hàng cá nhân mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí… và giảm 1% lãi suất cho vay với khách hàng SME có món vay giải ngân bằng VND từ ngày 19/7/2023.
Không riêng các ngân hàng thương mại cổ phần, nhóm "Big 4" gồm: 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cũng tích cực triển khai các gói ưu đãi lãi suất.
Đơn cử Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm lãi suất cho vay lần thứ 3 trong năm với mức giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Thời gian áp dụng trong 5 tháng từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Trước đó, Vietcombank cũng triển khai 2 chính sách giảm lãi suất cho vay khách hàng. Lũy kế đến hết 30/6/2023, ngân hàng này giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023. Lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank, tương ứng đối với từng dải kỳ hạn. Quy mô chương trình lên tới 25.000 tỷ đồng.
Đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), gói tín dụng 20.000 tỷ đồng đang triển khai dành cho lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại, áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng. Còn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với lãi suất ưu đãi mới từ 6,8%/năm.
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8 và báo cáo kết quả thực hiện cam kết trước ngày 8/1/2024.
Trong báo cáo mới công bố, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho biết, lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã thấp hơn mức trước đại dịch COVID-19 và kỳ vọng sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất 0,5% trong quý III, trước khi duy trì mức lãi suất chính sách này cho cả năm 2024.
Trên thực tế, sau các đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tiếp giảm sâu. Hiện phần lớn lãi suất huy động các kỳ hạn được niêm yết ở mức hơn 6%/năm, chỉ còn một số ngân hàng niêm yết ở mức trên 7%/năm. Việc điều chỉnh này giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn đầu vào, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới.