Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố biểu lãi suất mới, đưa lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng xuống còn 3,4%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng cũng giảm còn 4,1%/năm.
Không chỉ với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất các kỳ hạn khác tại VietinBank và BIDV cũng được điều chỉnh. Hiện lãi suất kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng niêm yết là 5%/năm; từ 12 tháng trở lên là 6,3%/năm và cũng là mức huy động cao nhất của các ngân hàng này.
So với trước đó, lãi suất huy động tại VietinBank và BIDV đã giảm từ 0,5 - 0,7%/năm tùy từng kỳ hạn.
Các mức huy động trên cũng tương đương với biểu lãi suất tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa được điều chỉnh trước đó.
Như vậy, sau bước điều chỉnh này, lãi suất huy động tại cả 4 ngân hàng lớn đang tương tự nhau ở tất cả các kỳ hạn.
Trước đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm các loại lãi suất điều hành từ ngày 19/6, nhiều ngân hàng đã mạnh tay hạ lãi suất huy động.
Lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng tại hàng loạt ngân hàng đã giảm xuống mức kịch trần theo quy định mới là 4,75%/năm như: Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)... Thậm chí Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) còn giảm lãi suất các kỳ hạn trên xuống chỉ còn từ 4 - 4,5%/năm khi gửi tiết kiệm thông thường và từ 4,4 - 4,75%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến, thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng về mức 4,5%/năm, các kỳ hạn từ 2 đến 5 tháng giảm còn 4,75%/năm.
Tương tự đối với các kỳ hạn dài, Ngân hàng TMCP Đại chúng (PvcomBank) giảm mạnh 0,5%/năm lãi suất các kỳ hạn 6 tháng trở lên, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng xuống còn 7%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 7,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 7,7%/năm và trên 12 tháng là 7,8%/năm.
OCB cũng đưa lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng xuống mức 7,3%/năm và 7,4%/năm, giảm 0,5%/năm so với trước. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng còn 7,6%/năm, các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên còn 7,4%/năm...
Cập nhật tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
"Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo, đến nay cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm; lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022)", Phó Thống đốc cho hay.
Cũng theo Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng là 11%. Tuy nhiên, đến ngày 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, nghĩa là hạn mức để các ngân hàng cho vay tiếp không hề thiếu. Đây cũng là con số tăng trưởng tín dụng khá chậm nếu so với các năm trước.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, ở góc độ nhà điều hành cũng rất muốn tăng trưởng tín dụng cao, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để bơm tín dụng ra vô tội vạ, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh hay không. Việc duy trì tăng trưởng tín dụng tốt cần đi kèm với đảm bảo chất lượng, hiệu quả.