Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Bệnh HIV là bệnh do vi rút gây ra, bệnh lây truyền qua 3 con đường là: Đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Riêng về đường máu, để lây nhiễm, máu nhiễm virus phải được đưa thẳng vào dòng máu của người lành.
Qua các nghiên cứu cho thấy, thời gian vi rút HIV có thể tồn tại ở các môi trường gây ra khả năng lây nhiễm bệnh là khác nhau. Ở tử thi vi rút HIV có thể sống được đến 72 giờ (3 ngày); trong kim tiêm (như trong vụ nhiều người bất ngờ bị phát hiện nhiễm HIV tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) do máu được lưu trữ tốt hơn nên vi rút HIV có thể tồn tại lâu hơn (có thể tới 7 ngày); trong các giọt máu khô là từ 2- 7 ngày…
Còn trong môi trường không khí, thời gian vi rút HIV sống sót ngắn hơn, với nhiệt độ từ 32 - 36 độ C, vi rút tồn tại không quá 5 phút.
Sự tiếp xúc trực tiếp với máu của một người nhiễm HIV qua da lành không cho nguy cơ nhiễm bệnh. HIV có thể xâm nhập qua lớp biểu bì của da (có 3 lớp biểu bì, trung bì và hạ bì) khi bị tổn thương do giẫm phải kim tiêm chích hoặc bị xây xát da do dụng cụ có máu nhiễm HIV.
Khả năng lây nhiễm có thể xảy ra khi máu bị nhiễm HIV bắn vào mắt, niêm mạc mũi miệng hoặc trên da không lành lặn.