Trong cuộc thử nghiệm, thuốc có nhãn hiệu TPOXX đã được cung cấp cho những người mắc bệnh mpox nghiêm trọng - được phân loại là có 100 hoặc nhiều tổn thương da, điều trị trong vòng 7 ngày. Kết quả cho thấy bệnh nhân đã có "sự cải thiện đáng kể". Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân trong thử nghiệm không phục hồi nhanh hơn những người được dùng giả dược, có nghĩa là loại thuốc này đã không đạt được mục tiêu chính của nghiên cứu.
Giám đốc y khoa của Siga, ông Jay Varma thừa nhận: "Kết quả nghiên cứu trên chỉ cung cấp thêm dữ liệu để nghiên cứu".
Trong tuần này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh mpox sau khi dịch bệnh lây lan từ CHDC Congo sang các nước láng giềng. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, từ đầu năm đến nay đã có hơn 17.000 trường hợp nghi mắc mpox ở châu Phi và hơn 500 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em CHDC Congo.
Thử nghiệm TPOXX bắt đầu vào năm 2022 trong đợt bùng phát mpox trước, mà WHO đã tuyên bố là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Do tình trạng khẩn cấp, thử nghiệm đã chấp nhận bất kỳ bệnh nhân nào muốn tham gia khi có triệu chứng tại các bệnh viện ở Tunda và Kole, miền Trung Congo - bất kể tình trạng bệnh lý nền hoặc thời gian kể từ khi khởi phát triệu chứng. Điều đó làm phức tạp kết quả, vì thuốc kháng virus tốt nhất nên được dùng càng sớm càng tốt sau khi mắc bệnh.
Những người tham gia cũng được đưa vào viện trong suốt quá trình thử nghiệm để đảm bảo dữ liệu có thể được thu thập chính xác. Mức độ chăm sóc đó cũng giúp nhiều người, bao gồm cả nhóm dùng giả dược, phục hồi nhanh hơn so với trước đây trong các nghiên cứu mpox quan sát ở CHDC Congo.
Nghiên cứu bao gồm 295 bệnh nhân được dùng tecovirimat trong 14 ngày và 302 bệnh nhân được dùng giả dược. Khoảng 75% người tham gia là trẻ em, những người được biết là có nguy cơ cao gặp biến chứng do mpox.
Ông Varma cho biết điều quan trọng là loại thuốc này phải được sử dụng theo các phác đồ ưu tiên dành cho những bệnh nhân ốm yếu nhất.