Theo Hội đồng Thể thao Nhật Bản, trên khắp cả nước từ năm 2013-2017 ghi nhận 179 trường hợp say nắng tại các trường tiểu học và trung học cơ sở khi học sinh đang ở bể bơi. Năm 2023, có 6 học sinh lớp 4 của một trường tiểu học ở phường Inage của thành phố Chiba đã được đưa vào bệnh viện do say nắng sau buổi học bơi.
Các chuyên gia giải thích khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể bị ảnh hưởng, đặc biệt khi nhiệt độ nước cao và điều này có thể gây nguy hiểm. Giáo sư Kei Nagashima tại Đại học Waseda nêu rõ cơ thể người giảm nhiệt độ bằng cách đổ mồ hôi và mồ hôi thoát ra sẽ bay hơi. Tuy nhiên, khi ở trong nước, mồ hôi không thể bay hơi tản nhiệt, do đó cơ thể gặp khó khăn để giảm nhiệt độ như bình thường. Khi nhiệt độ nước cao, đặc biệt khi nền nhiệt tăng lên hơn 33 độ C, sự chênh lệch giữa nhiệt độ nước và cơ thể sẽ thấp hơn, ngăn nhiệt thoát vào nước và làm tăng nguy cơ say nắng khi nhiệt tích tụ trong cơ thể.
Một số chuyên gia khác chỉ ra rằng mọi người ít có khả năng cảm thấy khát khi ở dưới nước, khiến tình trạng mất nước dễ xảy ra hơn. Do hoạt động thể chất thường dẫn đến đổ mồ hôi, nên mọi người cần uống nước thường xuyên và nghỉ ngơi ở những nơi mát mẻ.
Để đề phòng những nguy cơ này, ngày càng nhiều trường học trên toàn Nhật Bản quyết định bỏ hoạt động bơi trong các giờ giáo dục thể dục hay ngừng các lớp bơi trong kỳ nghỉ hè. Bắt đầu từ năm nay, các lớp học giáo dục thể chất ngoài trời, bao gồm cả các lớp bơi, tại phường Edogawa của Tokyo đã bị hủy theo quy định chung khi có cảnh báo về nguy cơ say nắng. Tại thành phố Oyabe, tỉnh Toyama, 3 trường tiểu học đã quyết định đóng cửa bể bơi trong kỳ nghỉ hè.