Cách chăm sóc da đúng và đủ để ngừa mụn trứng cá ở tuổi dậy thì

Trẻ dậy thì cần biết rửa mặt đúng cách, dưỡng ẩm da, sử dụng sản phẩm chăm sóc da hợp lý để hạn chế các nguyên nhân gây mụn trứng cá.

Chú thích ảnh
Điều trị mụn trứng cá tại cơ sở y tế. Ảnh: TN

Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, ở tuổi dậy thì, làn da của trẻ bắt đầu tiết nhiều dầu và bã nhờn do sự thay đổi hormone; đặc biệt ở nam giới, lượng dầu sẽ tiết ra nhiều hơn nữ giới do lượng androgen ở nam giới cao hơn. Khi lượng dầu tiết nhiều hơn mà trẻ chưa biết cách làm sạch da và chăm sóc da thì lúc đó mụn trứng cá sẽ hình thành. Mụn có thể xuất hiện ở vị trí mặt, lưng hoặc ngực với nhiều dạng khác nhau như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn bọc, mụn nang.

Theo đó, nếu lỗ chân lông bị tắc nghẽn, đóng kín, và sưng đỏ phình ra ngoài gọi là mụn đầu trắng; nếu lỗ chân lông tắc nghẽn nhưng vẫn mở, bề mặt trở nên sẫm màu thì sẽ hình thành mụn đầu đen; nếu lỗ chân lông mở, có bã nhờn, tế bào chết, vi khuẩn chui xuống, vi khuẩn phát triển, gây ra vết sưng đỏ và hình thành nên mụn bọc. Đặc biệt, khi lỗ chân lông bị viêm lâu ngày, nhân mụn ẩn dưới da gây nên tình trạng da sần sùi thô ráp.

Các bác sĩ lưu ý, trẻ dậy thì cần biết cách chăm sóc da hàng ngày để loại bỏ các nguyên nhân gây mụn trứng cá. Cụ thể, các bác sĩ đưa ra một số gợi ý chăm sóc da đúng và đủ như sau:

- Rửa mặt 2 lần một ngày bằng nước ấm với sữa rửa mặt phù hợp da của mình để làm sạch da. Nhẹ nhàng massage theo chuyển động tròn, tránh cọ rửa, chà sát quá mạnh khiến cho lớp biểu bì bị tổn thương gây kích ứng.

- Sử dụng kem chống nắng hàng ngày để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.

- Với những người sử dụng kem chống nắng hoặc trang điểm cần tẩy trang trước khi đi ngủ, lựa chọn nước tẩy trang không chứa dầu để giảm tình trạng bít tắc.

- Tẩy da chết 2 đến 3 lần trong 1 tuần bằng các sản phẩm tẩy da chết hoá học hoặc vật lý nhằm giảm tình trạng dày sừng, phòng bít tắc lỗ chân lông.

- Cân bằng lại độ PH da và độ ẩm bằng nước hoa hồng và kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da của mình.

- Gội đầu và giữ tóc sạch sẽ, rửa sạch mặt sau khi tập thể dục vì mồ hôi là nguyên nhân làm tắc nghẽn lỗ chân lông và khiến cho những làn da đang mụn trở nên nặng nề hơn.

- Sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm phù hợp, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để được tư vấn lựa chọn những sản phẩm phù hợp với loại da của mình.

- Khi sử dụng keo xịt tóc hoặc gel tạo kiểu tóc nên tránh xa mặt, một số thành phần trong sản phẩm tóc sẽ làm cho tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn, hoặc gây kích ứng.

- Nếu vùng lưng, ngực bị mụn cần hạn chế mặc quần áo chật, bó sát vì dễ bị cọ xát gây kích ứng.

- Không dùng tay chạm lên mặt.

- Không tự ý nặn mụn.

- Xây dựng chế độ ăn thích hợp, không ăn những thực phẩm khiến cho da bị nổi mụn như đồ ăn dầu mỡ, chiên dán, cà phê, rượu bia và chất kích thích. Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả để bổ sung vitamin.

- Thực hiện chế độ sinh hoạt điều độ, đi ngủ sớm, hạn chế căng thẳng stress.

Các bác sĩ cũng lưu ý, nếu tình trạng da của trẻ xuất hiện mụn trứng cá, và tiến triển ngày càng nặng, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và cung cấp những liệu pháp chăm sóc da phù hợp với tình trạng da hiện tại của trẻ.

 

TN/Báo Tin tức
Bé sơ sinh bị nhiễm trùng huyết do tự chích mụn tại nhà
Bé sơ sinh bị nhiễm trùng huyết do tự chích mụn tại nhà

Thấy cháu bé có mụn ở lưng, gia đình tự lấy kim khâu chích mụn khiến trẻ bị nhiễm trùng, hoại tử lan rộng vùng lưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN