Suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh mãn tính, bệnh thường gặp ở những người làm các công việc có đặc thù đứng lâu, ngồi nhiều như giáo viên, bác sĩ, nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng... Theo đó, những dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch là đau chân, sưng phù chân, nặng chân, chuột rút về đêm, nổi gân xanh ở bắp chân...
Tuy nhiên, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa và hỗ trợ điều trị. Cụ thể, khi có dấu hiệu của bệnh cần đến các bệnh viện để được tư vấn và điều trị ngay; đồng thời, với 15 phút tập thể dục đơn giản cho đôi chân mỗi ngày để triệt tiêu trọng lực và làm tăng sức mạnh cơ bắp – bàn chân, qua đó ngăn ngừa xuất hiện những biến chứng nguy hiểm cũng như tránh làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Sau đây là 5 cách phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch hiệu quả:
1. Uống nhiều nước giúp ngăn ngừa giãn tĩnh mạch chân
Theo các chuyên gia sức khỏe trên thế giới, uống nước nhiều mỗi ngày không chỉ mang đến vô vàn những lợi ích cho sức khỏe như: làm đẹp da, giúp giảm cân, ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa... mà còn được khẳng định là mang đến rất nhiều lợi ích trong việc ngăn ngừa, đề phòng chứng giãn tĩnh mạch chân.
Bởi uống nhiều nước sẽ giúp cho tuần hoàn máu được lưu thông ổn định, chính vì vậy khi các mạch máu, tĩnh mạch luôn khỏe mạnh thì không có lí do gì căn bệnh giãn tĩnh mạch chân có thể xuất hiện. Nếu cảm thấy việc uống nhiều nước lọc quá nhàm chán, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn các loại nước trái cây để thay thế.
2. Không để rơi vào tình trạng thừa cân béo phì
Một trong những nguyên nhân có thể khiến đôi chân của bạn nổi đầy những mạch máu xanh ngoằn nghèo là dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch chân chính là thừa cân, béo phì. Bởi các tĩnh mạch, mạch máu ở chân đều có thể chịu đựng một sức ép nhất định, khi cơ thể vượt quá cân nặng sẽ làm tăng áp lực khiến các tĩnh mạch bị ứ lại, là tiền đề cho căn bệnh giãn tĩnh mạch chân phát triển.
Để đề phòng vấn đề này xảy ra, việc đầu tiên cần làm là thay đổi chế độ ăn hằng ngày để cân nặng luôn được duy trì ở mức ổn định, không thừa cân béo phì. Tăng cường rau xanh và trái cây để bổ xung chất xơ, cùng với đó hạn chế thức ăn dầu mỡ, thức uống có cồn, nước ngọt có ga. Ngoài ra, tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày cũng là cách kiểm soát cân nặng hiệu quả và đề phòng bệnh giãn tĩnh mạch rất tốt.
3. Kê cao chân khi ngồi hoặc ngủ
Đây là thói quen rất có lợi cho việc lưu thông máu ở các tĩnh mạch chân, đặc biệt là đối với những người có công việc mang tính chất đứng nhiều hoặc ngồi nhiều 1 chỗ như dân văn phòng. Việc đứng lâu hoặc ngồi lâu không vận động sẽ khiến máu không được lưu thông tuần hoàn dễ gây ứ đọng, tắc nghẽn tĩnh mạch.
Chính vì vậy, chỉ cần một thay đổi nhỏ khi ngồi hoặc ngủ là hãy kê cao chân hơn một chút, việc làm này giúp máu được lưu thông tuần hoàn và ổn định hơn hạn chế tối đa nguy cơ gây ra giãn tĩnh mạch chân. Khi nằm bạn có thể giơ thẳng chân lên cao vài phút để hỗ trợ máu lưu thông về tim tốt hơn.
4. Đi giày dép thoải mái
Một điều khá thú vị rằng các chị em phụ nữ phần lớn đều là tín đồ của các mẫu giày, dép cao gót. Thế nhưng, nếu bạn đang lạm dụng điều này thì hãy hạn chế ngay bởi thường xuyên đi giày cao gót sẽ làm suy yếu các van điều chỉnh sự lưu thông máu qua tĩnh mạch, từ đó dễ dẫn đến sự suy giãn và viêm.
Việc lựa chọn các đôi giày thể thao hoặc dép đúng size không quá chèn ép đôi chân sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi chứng bệnh suy giãn tĩnh mạch chân. Bởi chúng đều giúp cho các mạch máu hoạt động ổn định mà không bị chèn ép như những loại giày cao gót.
5. Tránh mặc quần áo bó sát
Tương tự như giày cao gót, những bộ đồ ôm sát body hiện tại cũng rất được các chị em ưa chuộng bởi giúp khoe những đường cong cơ thể một cách tối đa. Nhưng một nguy hiểm tiềm tàng trong những bộ đồ này là chúng gây cản trở sự lưu thông máu khiến máu dồn ứ và gây bệnh giãn tĩnh mạch dễ hơn.
Nếu tính chất công việc yêu cầu bạn phải mặc những trang phục như vậy thì hãy thay nó ngay khi có thể để không ảnh hưởng đến các mạch máu lưu thông. Và đương nhiên, hãy ưu tiên những bộ đồ thoải mái, không quá bó sát để tránh xa căn bệnh giãn tĩnh mạch chân.