Khi cuộc sống đô thị không còn lạ lẫm với tất cả chúng ta bởi nhịp sống gấp gáp phả vào từng bữa cơm gia đình thì cũng chính là lúc trong mỗi người lại xuất hiện ý tưởng rất hấp dẫn: tìm về những món ăn thật sự quê mùa dân dã ở chính mảnh đất đơn sơ nhưng thấm đậm tình người. Một chuyến “phượt” lấm lem, mệt nhoài mà vui, một bữa cơm quê đất Mường xưa đậm đà hương vị và không khí cổ truyền sẽ là mời gọi thôi thúc nhất…
Mỗi món ăn, đặt trong mối tương quan với văn hóa dân tộc đều mang một triết lí sống. Có lẽ, bấy lâu nay những món ăn ngọt, béo đem đến một sự thú vị dễ dãi mà đến với những món ăn dân gian này chúng tôi lại có cảm giác khác lạ. Bắt đầu từ việc bấm những ngón chân lên con dốc đứng bên sườn đồi để hái những bông hoa đu đủ đực trắng xanh. Ra vườn hái những chiếc lá lốt cứng và dày, xanh thẫm. Dăm quả cả rừng gầy như trái táo non… Khi về đến nhà, đã thấy gia chủ có đủ một rá châu chấu đồng vàng ngậy đặt bên hũ măng ủ chua.
Thế là hoa đu đủ, rau mùi tàu, rau ngót…được nêm muối, đồ cách thủy để khi ăn, những vị đắng đót, cay nồng ấy tạo ra một hương vị thơm mát. Vừa gắp cho tôi nhón rau đồ, mế già vừa giải thích: Phải ăn những thứ đắng đó thì mới khỏe, ruột mới lành, tâm hồn mới thư thái, nhẹ nhàng, nó là sự chuyển hóa con ạ. Bên bát rau là đĩa châu chấu xào với măng chua. Vị men thanh của búp măng trắng hòa vào vị ngậy của chú côn trùng chỉ ăn những lá lúa ướt sương đêm mà vẫn gợi cảm giác như một món trứng cá nào đấy. Nhìn sang thức chấm cũng là bát mắm tép, bát canh rau lá sắn nấu cá mương nhỏ xíu. Trong bữa cơm, gia chủ dùng một chiếc đũa chung để gắp cho mọi người, cử chỉ nhỏ ấy đâu chỉ là một nề nếp vệ sinh, lịch sự mà còn gợi sự chu đáo trong cách tiếp khách của đồng bào.
Sau một bữa cơm trưa thanh đạm, nhấp ngụm trà xanh, chợt thấy một cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái. Sự giản dị mà sâu sắc trong từng món ăn dường như đã là điều mà bấy lâu ta tìm kiếm trong cuộc sống.
Bùi Việt Phương