Và con người kẻ Thầy, như tục ngữ vẫn thường nói “người ta là hoa của đất” với những đặc sắc về ngôn ngữ, phong tục tập quán, những món “quà quê” riêng biệt, đường làng ngõ xóm... tạo ra một “quyển văn hóa” bao quanh chùa Thầy.
Ngày nay vùng đất Sài Sơn - Quốc Oai không còn yên tĩnh nữa. Các khu công nghiệp, xí nghiệp chế biến, tiểu đô thị, khu giải trí Tuần Châu 2 đã chiếm chỗ của đồng lúa, các văn hóa làng xã xưa dần dần đổi thay hoặc biến mất. Việc sưu tầm, ghi chép, khảo cứu các thuần phong mỹ tục của vành đai văn hóa chùa Thầy để giữ gìn, khôi phục là một việc làm cần thiết. Với tâm huyết đó, nhà giáo Phan Bá Ất, người con của đất kẻ Thầy, đã khổ công viết nên tập sách “Vài nết đất xưa kẻ Thầy Sài Sơn” (NXB Hội Nhà Văn, 2015). Đây là một tập sách nghiên cứu công phu về các di sản kiến trúc tín ngưỡng quan chùa Thầy như Văn chỉ, đình thôn Đa Phúc, ngữ âm đặc biệt của thôn Thụy Khuê, sản phẩm thổ ngơi như mật mía, chè lam, bánh gai, bánh giò, dơi ngựa..., các nhân vật được thờ cúng Lữ Gia, Đỗ Cảnh Thạc, dòng họ văn chương Phan Huy...
“Vài nết đất xưa Kẻ Thầy Sài Sơn” có thể coi như một cẩm nang văn hóa về chùa Thầy, giúp ích cho người khách thăm chùa và cho những người muốn có tư liệu về phong tục học, địa phương học, văn hóa học...