Đôi dép của mẹ

Tôi hay nghĩ về những kỉ vật xưa cũ. Có những kỉ vật sau này khi đã trưởng thành tôi vẫn không bao giờ quên được. Nhất là những kỉ vật của trong ngôi nhà nhỏ thân thương nơi tôi sinh ra và lớn lên.


Đó là chiếc áo đi lính của ba, là cái rương đựng quần áo được tận dụng từ hòm đựng đạn còn sót lại trong chiến tranh. Hay chiếc cối đá sau hè mẹ vẫn thường dã cua. Tất cả như những người bạn thân thiết với cả gia đình và tuổi thơ tôi. Và, bây giờ đây tôi đang nhớ về những đôi dép của mẹ.

Mẹ có dáng hơi còng cũng bởi vì công việc chính của người là gồng gánh quanh năm. Từ gánh mạ ra đồng, gánh hạt giống lên nương, phân gio bỏ ruộng rồi gánh hàng rong đi khắp phố phường mưu sinh. Dấu chân mẹ in khắp nẻo đường cùng với đôi dép cũ kĩ. Mẹ giản dị, tiết kiệm đến mức xuề xòa. Hầu như mẹ rất ít khi mua dép mới. Hoặc là mẹ tự chế từ những mảnh săm hỏng xin ngoài tiệm sửa xe hoặc mua lại dép cũ của hàng đồng nát. 

Đôi dép cao su đầu tiên mẹ thiết kế bằng săm xe máy nó quá đặc biệt đến độ tôi không tài nào quên được. Đó là đôi dép đế làm bằng gỗ xoan, đệm săm cao su lên trên và quai thì bằng dây mây. Ngày thơ bé tôi vẫn thường lấy nó ra nghịch như một món đồ chơi hấp dẫn. Tôi tập xỏ ngón vào dép rồi bước từng bước lạch bạch đi quanh sân. Đôi lần mải mê chơi xong rồi giấu dép của mẹ ở đâu không hay. Lúc cần mẹ lại tất tưởi, ngược xuôi chân trần đi tìm mà không mắng lấy tôi câu nào. Lớn lên tôi thấy có lỗi với người vô cùng.

Ngày nắng cũng như mưa người đều dùng đôi dép ấy để đi. Những chiều mưa giông, trên vai mẹ là gánh hàng nặng, mưa gió vần vũ khiến đôi chân mẹ không vững. Đôi dép cũng vì thế mà tuột quai. Mẹ lại chân trần giữa đường trơn như mỡ, và gánh hàng thì như chực ngã ào xuống đất. Còn ngày nắng, những đôi dép tự chế khiến chân mẹ càng nóng hơn, đỏ rộp từng mảng. Tối về mẹ xuýt xoa với từng mảng da bong tróc, rớm máu. Ấy vậy mà người vẫn không chịu sắm cho mình một đôi dép mới. Tôi nhớ khi nhà trường nơi tôi học yêu cầu học sinh phải mặc đồng phục và đi dép có quai hậu mẹ vẫn mua cho tôi những đôi dép 100 nghìn đồng. Số tiền đó có khi bằng cả tuần mẹ mua thức ăn cho cả gia đình. Nhờ mẹ, hàng ngày tôi đến trường vẫn đầy đủ và tươm tất.

Thương mẹ rất nhiều, việc duy nhất tôi có thể làm là học thật tốt. Khi người ta thiếu cái gì thì cái người ta luôn nghĩ đến là cái đó. Hàng ngày nhìn dáng mẹ vất vả, nhìn những bộ quần áo của mẹ tôi xót xa vô cùng. Lúc đó chỉ muốn có tiền để mua cho mẹ những bộ quần áo thật đẹp, và một đôi dép thật sang. Kết thúc năm lớp 12, nhận phần thưởng học sinh giỏi tôi vui mừng đem về cho mẹ một đôi dép đẹp. Nó giá là 160 nghìn đồng. Mẹ vừa bất ngờ, vừa giận song tôi biết người rất vui. Còn tôi thì hạnh phúc vô cùng.

Chiều nay, đi ngang phố thị ồn ào, chợt nhìn thấy bóng người phụ nữ lam lũ bên những thùng rác cao ngất bới ve chai tôi lại nhớ tới mẹ. Hình ảnh của mẹ và của người phụ nữ tuy hai là một. Cũng lam lũ, dáng lom khom và đặc biệt đôi chân luôn đi đôi dép mòn vẹt. Nơi quê nhà, giờ này mẹ vẫn đang lặng lẽ trên đồi. Cả đời người hi sinh bản thân mình bởi vì muốn những đứa con của mình hạnh phúc.

Quyền Văn
Canh chột nưa nấu cá lóc đồng
Canh chột nưa nấu cá lóc đồng

Trong tiết trời se lạnh của mùa thu xứ Huế, món canh chột nưa nấu với cá lóc đồng thơm ngon bốc khói ăn với cơm trắng nóng sẽ làm say lòng những ai thưởng thức bởi hương vị đậm đà, ngon ngọt rất đặc trưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN