Trải qua suốt chiều dài tuổi thơ tôi, ngọn đèn dầu hỏa leo lét với ánh sáng vàng vọt, đôi lúc lù mù, đã soi sáng để tôi học bài mỗi tối. Chẳng riêng tôi, mà hầu như ai sinh ra và lớn lên trước thập niên 90 của thế kỷ trước, chắc đều “làm bạn” với chiếc đèn dầu, kể cả người đó sống ở thành phố đi chăng nữa, bởi khi đó điện vẫn cái gì đó xa xỉ, mà người ta chỉ có thể trông vào nguồn ánh sáng từ những chiếc đèn dầu.
Đèn dầu thường được làm bằng thủy tinh, dưới có bầu đế to chứa dầu bên trong, phía trên có kim vặn bấc đèn - đó là những sợi chỉ bông được túm lại với nhau, to cỡ bằng đầu chiếc đũa con. Bấc đèn có tác dụng trung chuyển dầu từ bầu đèn lên đỉnh bấc tạo lửa. Ngoài ra, chiếc đèn dầu không thể thiếu chiếc tăm phong, đó là chiếc ống thủy tinh hình bầu, thổi mỏng như chiếc bóng điện, thủng hai đầu, dùng để chụp xuống đài của chiếc đèn, và nó có tác dụng che chắn gió cho đèn không bị tắt.
Nhà tôi thường ăn cơm buổi tối khá muộn, khoảng 7 đến 8 giờ nên ánh sáng của chiếc đèn dầu là không thể thiếu được, dẫu trong mâm cơm của những ngày nghèo đói ấy đâu có nhiều món ăn để gắp đâu. Bao giờ cũng vậy, khi trời bắt đầu nhá nhem tối là mẹ thường sai các con xem đèn còn dầu hay hết, nếu hết thì phải rót dầu vào cho đầy. Tôi thường được phân công nhiệm vụ kiểm tra và rót dầu vào đèn. Công việc sửa soạn đèn dầu cho một buổi tối không hẳn chỉ là rót dầu, mà còn phải khều bấc, còn phải lau tăm phong cho sáng, bởi qua mỗi đêm thắp sáng, những chiếc tăm phong che chắn gió thường bị mờ đi vì bị ám khói.
Ngày ấy, vì nhà nào cũng nghèo khó, nên không dư giả dầu hỏa để thắp sáng, vì vậy mà nhà ai cũng dùng một cách rất tiết kiệm, chỉ khi thực sự cần thiết mới thắp đèn, như chuyện ăn cơm, chuyện con cái học hành... không đừng được, chứ còn khi đi ngủ là đèn đầu được thổi tắt luôn. Có nhà cần một chút ánh sáng để nhỡ đêm các thành viên dậy đi vệ sinh không sợ đụng chạm các vật dụng, hay canh chừng trộm cắp..., thì họ vặn nhỏ bấc xuống sao cho ánh sáng của ngọn đèn chỉ còn liu riu đủ soi sáng trong phạm vị rất nhỏ hẹp. Những khi đèn vặn nhỏ như vậy người ta vẫn hay kêu đó là ngọn đèn... mù, bởi hai người cùng đứng trong một gian nhà có ngọn đèn như thế cũng không thể nhìn rõ mặt nhau...
Kỷ niệm đáng nhớ và vui nhất của lũ trẻ quê chúng với những ngọn đèn dầu, có lẽ là những khi trong làng nhà ai đó có công việc như ma chay, cưới xin. Đèn dầu được huy động hầu như tất tật từ các hộ trong xóm để gia chủ của nhà có đám thắp lên cho đủ sáng. Có khi phải đến cả trăm ngọn đèn dầu được thắp lên, và chúng được bố trí ở khắp nơi, từ bàn để quan khách họ hàng ngồi uống nước, ăn trầu, chỗ nấu cỗ, đun nước, hay cổng ngõ... Lâu lâu mới có được các buổi nhiều ánh sáng như vậy, nên bọn trẻ con chúng tôi thường tụ tập nô đùa một cách vui sướng...
...Khi tôi và những đứa trẻ cùng trang lứa lớn lên thì cũng là lúc nguồn ánh sáng từ điện dần được vươn tới hết thôn xóm trong làng, trong xã. Dẫu vậy, lúc này vẫn thi thoảng có những ngày bị mất điện, hoặc cắt điện luân phiên nên những chiếc đèn dầu vẫn còn rất hữu ích, bởi khi không có điện là ánh sáng của những ngọn đèn dầu lại tức thì được thắp lên.