“Của trời cho”

Đảo trưởng chúng tôi tên là Nam - Trần Văn Nam. Nhưng từ lâu cánh lính chúng tôi vẫn tếu táo quen gọi anh là “Nam Râu”. Là bởi anh có bộ râu quai nón sang trọng đến nao người. Râu mọc um tùm. Ở đảo lính có râu thì nhiều mà lưỡi dao cạo thì chẳng mấy khi đủ. Khi cười, những sợi râu vì lưỡi dao cùn, cạo không đứt hết, tua tủa như lông nhím, cứ rung rinh trông vui vui và lại càng sang trọng tệ.


Đảo trưởng “Nam Râu” là người có thâm niên nhiều nhất đảo, nên được anh em tôn kính lắm, “vưỡn” gọi là “Già đảo”. Có một thâm niên khác khó nói ra, nhưng đảo trưởng cũng nổi tiếng lắm, ấy là chuyện riêng của vợ chồng anh. Đảo trưởng lấy vợ đã ngót nghét 10 năm, đúng bằng thời gian anh làm lính đảo. Vợ anh là một cô giáo giờ đã cư ngụ ở thành phố Cam Ranh, nhưng chính gốc ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nàng hết sức xinh xắn, đoan trang và nói theo cái cách nói của lính ta khi gặp “đảo trưởng phu nhân”, là cũng rất nái nẩm. Ấy vậy mà sau ngần ấy thâm niên, mỗi năm một tháng phép về với vợ, đảo trưởng phu nhân vẫn chưa sinh hạ được cho anh một quý tử. Chuyện này trở thành điểm “hot” của đảo. Lính đảo vốn vui nhộn, đảo trưởng lại vui tính, hai cái vui gặp nhau thành cái vui nhân đôi. Biết tính đảo trưởng lúc nghiêm thì như sắt đá, lúc vui thì như sóng biển, nên nhắc đến chuyện này, cánh lính thường tếu táo:


- Đảo trưởng phu nhân nái nẩm thế, ắt thuộc vào hàng mắn lắm. Chưa có quý tử, hẳn là do đảo trưởng cả. Chuyện này có sách cả đấy đảo trưởng ơi!

Minh họa: Trần Thắng


Đảo trưởng cười hì hì, rung rinh bộ râu:


- Các cậu nói chí phải! Đúng là có sách cả! Chuyện đất đai, con cái là chuyện thiêng liêng. Tớ phục sát đất cái ông nhà thơ nào đó viết được câu thơ tuyệt vời: “Đất nước nằm tròn trong dạ trẻ/ Ngọt ngào như thuở mới yêu nhau…”. Đất nước mà ví như dạ trẻ, như thuở mới yêu nhau, thì thiêng liêng, thì ngọt ngào lắm, được nâng niu, gìn giữ lắm lắm! Như hòn đảo của ta đây là một phần của đất nước, cũng nằm trong sách trời, thiêng liêng lắm chứ. Thì đấy! Chả phải ngàn năm trước, cụ Lý Thường Kiệt từng tuyên ngôn: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định sẵn ở sách trời” đó sao! - Rồi anh tuyên bố xanh rờn - Tớ chẳng ví von khập khiễng, dưng mà, trời chưa cho chứ đã cho thì không chừng vợ chồng tớ con đàn, cháu đống, chẳng có sức mà bồng chứ lị. Ông trời chẳng phụ lòng người lính đảo sống xa xôi, cách trở, đi giữ đất đai, ruột máu ông cha đâu! Cứ đợi đấy!


Cả đảo “đợi đấy” mãi mà tình hình con cái của đảo trưởng vẫn mù mịt như đảo ngày có bão. Tôi là chính trị viên, sàn sàn tuổi đảo trưởng mà đã có tới một “hoàng tử”, một “công chúa”, cũng lấy làm ái ngại lắm, tâm tình:


- Anh Nam này, hay anh cùng phu nhân đi khám bác sĩ xem sao. Cũng phải biết ai là người có lỗi mà có kế hoạch chứ!


Tưởng nghe thế, anh sẽ mừng. Ai dè, mặt mũi anh đỏ bừng, bộ râu quai nón rung rung. Anh nói buồn:


- Theo tớ, chẳng ai có lỗi trong chuyện này cả. Làm người vợ lính đảo có sung sướng gì đâu. Mỗi năm gặp nhau được có một lần phép, tình cảm đong sao được cho nó đủ đầy. Hơn nữa, cô ấy là thân gái, vò võ đợi chờ, thiếu thốn tình cảm gấp vạn cánh mình ấy chứ. Đi khám, ắt có người không sinh nở được, lúc đó cậu tính phải xử lí ra sao? Lấy cớ đó, đổ lỗi cho nhau rồi tan nát gia đình, thêm tội. Chi bằng đã muộn mằn gần 10 năm rồi thì giờ cùng nhau ráng chịu vậy. Khám với xét làm gì, cứ để thế coi như cả hai cùng muộn, cùng chung chịu. Làm người lính đảo, mình chịu gian nan, vất vả, đi giữ đất đai mình, giữ cho cuộc sống đồng bào mình bình yên. Sống có nhân, có đức thế rồi trời sẽ cho cậu ạ!


Nghe anh nói mà thấy rưng rưng, mấy ngày sau, tôi nhận lệnh đi học. Hai năm học tập trôi vèo như cánh hải âu lướt qua boong tàu. Trở lại đảo, đã thấy anh đứng đón ở cầu tàu. Vừa tay bắt, mặt mừng anh vừa vỗ vai tôi, cười lớn:


- Trời cho rồi, cậu ạ! Trời cho rồi!


- Trời cho? Cho gì? - Gặp lại nhau vui quá, quên khuấy chuyện cũ, tôi háo hức hỏi dồn.


- Cái cậu này mơ mộng ở đâu mà chóng quên! Trời cho của chứ cho gì nữa. Chẳng phải đận năm ngoái, trên có chủ trương cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở đảo đưa vợ con vào trong này để vợ chồng, cha con được gần gũi nhau, mà an tâm công tác. Nói “gần gũi”, nhưng cũng cách xa nhau hàng trăm hải lý. Nhưng đúng là khi người lính vào đất liền công tác thì gần thật, họp hành xong là phắn về với vợ con được ngay. Tớ đã xin cho cô ấy chuyển từ Hải Phòng vào dạy ở Cam Ranh. Đận ấy, cậu vừa đi học được mấy ngày thì tớ cũng được cử đi tập huấn. Đang học dở khóa, có lệnh đột xuất tất cả học viên phải xuống tàu ra đảo. Cậu lạ gì nữa, cảng Vùng Bốn chỉ cách nhà tớ dăm cây số, thế mà tớ cũng không được tranh thủ ghé về. Làm anh lính, lệnh là lệnh, biết sao được. Tớ vừa lẩm nhẩm hát khúc: “Anh phải về (đảo) thôi, xa em thôi…” vừa mang ba lô xuống tàu. Đang nằm ngó cổ ra cửa sổ tàu nhìn về đất liền, về hướng nhà mình nơi những ánh đèn đường như những ánh mắt đăm đắm nhìn ra biển, nhạt nhòa trong sương đêm, tớ nghe bồng bềnh trong tiếng sóng, câu hát “ngày mai anh đi biển nhớ tên anh gọi về” những lần vợ tớ tiễn tớ ra đảo, thì trên tivi xuất hiện cái cô chuyên mặc váy đầm trong mục dự báo thời tiết. Cô ấy thông báo ngoài khơi vùng đảo ta đang hình thành cơn bão Sao la Sao liếc gì đó, gió giật tới trên cấp 6, cấp 7. Đoàn trưởng đi họp về, nheo mắt nhìn tớ: “Biển động ghê quá! Cung cách này phải 3 - 4 ngày nữa sóng lặng, biển yên, tàu mới rời cảng được. Cánh tớ xa xôi, ắt phải nằm ngáp dài nghe mưa, nghe sóng rồi. Còn cậu, chỉ cách nhà có 5 cây số phỏng? Ưu tiên cậu về với mẹ nó. Bao giờ tàu chuẩn bị xuất phát, tớ “phôn” là phải có mặt ngay. Cố đúc cho bằng được thằng lính đảo con nhé!”. Ôi chao là mừng! Tớ mang ba lô, chào anh em, phắn liền. Ba ngày bão tố định mệnh ấy, mưa to đến rất to. Mưa gió khiếp lắm. Thế rồi…


Anh xoa xoa hai tay, lại nhún nhún hai vai, bộ râu quai nón rung rinh, cái cười cũng rung rinh:


- Bão tan, tớ theo tàu ra đảo. Chưa đầy hai tháng thì nhận được điện thoại của mẹ nó (lần đầu tiên tôi nghe anh gọi từ “mẹ nó”). Mẹ nó nói rằng từ ngày anh đi, mấy lâu nay em cứ thấy thèm của chua, lại hay nôn ọe, không chừng… có rồi. Cẩn thận, tớ chỉ mừng âm ỉ trong bụng chứ chưa dám nói với ai. Cú điện sau, lại cú điện thoại sau nữa, mẹ nó quả quyết là đích thị có rồi, bởi nàng đã lên Bệnh viện đa khoa huyện siêu âm, là con trai hẳn hoi, tớ mới reo to lên, chạy nháo ra, gặp ai cũng khoe. Cánh lính nghe thế, cũng reo, chạy tới ôm chầm lấy tớ, vừa nhảy, vừa hát khúc “cha, cha, cha…”, vui đáo để. Rồi đúng 9 tháng 10 ngày (ấy là cánh lính phỏng vấn tớ, rồi ghi lại, chứ tớ nào có ghi chép gì) sau “mấy ngày đêm bão tố” ấy, thằng cu ra đời. Được tin, mấy vị trên “vùng” cười tít, tâm lý cho tớ 15 ngày phép. Tới nhà, thoạt nhìn, cậu ơi, ôi chao là thằng cu! Nó giống tớ như hai con sóng biển, cậu ạ. Ra dáng lính đảo lắm! Da ngăm ngăm màu biển mặn, màu gió nồng đích thị là của bố nó rồi. Ai cù nó cũng cười, cười nắc nẻ như cánh lính ta cười mới hay chứ. Rồi ra cu cậu vui tính phải biết nhé. Lại còn bộ râu quai nón của cu cậu, nói không ngoa, chẳng khác chi bộ râu của tớ, cậu ạ!


- Ô hô! Râu quai nón! Đứa bé mới sinh mà đã có râu quai nón! - Không nhịn được, tôi cười um lên.


- Râu quai nón thật chứ râu quai nón bịa à! Mà không, - E hèm mấy cái, anh chữa lại - là lông, lông tơ của cu cậu ấy mà! Hàng lông tơ chạy từ tai cu cậu, vòng xuống qua cằm, lại chạy lên tai. Rõ là râu quai nón chứ còn gì!


- Đảo trưởng ơi là đảo trưởng! Râu là râu mà lông lại là lông! Hai thứ đó là phạm trù rất khác nhau! Không thể đánh đổ đồng lông là râu được! - Tôi càng cười tợn, sửa sai.


Đảo trưởng ta ngớ người, ngẩn tò te mà “ừ nhỉ!”. Rồi nét mặt anh rạng ngời trở lại. Anh gật gù:


- Ừ có thể cứ theo như định nghĩa thì lông là lông mà râu lại là râu thật. Dưng mà… cu cậu giống hệt mình là cái chắc! Giống như hai con sóng, mà không, phải nói theo ông bà ta, như hai giọt nước biển ấy. Ngay cả hàng lông tơ tuyệt vời kia khi cu cậu lớn lên cũng thành râu quai nón như tớ cho mà xem. Của trời cho mà! Các cậu hãy đợi đấy!


Hà Tĩnh mùa biển động 9/2012


Nguyễn Xuân Diệu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN