Bán nước sôi

Xưa, trên mỗi con phố hay nơi giao nhau giữa những con phố hoặc khu vực gần bệnh viện thường có cửa hàng bán nước sôi.

Trang bị ở mỗi cửa hàng bán nước sôi cũng khá đơn giản, thứ nhất là cái bếp lò to đốt than đá (có nơi gọi là than Kíp lê), loại than thường được dùng trong các lò rèn vì loại than này cho nhiệt cao và cháy được lâu; trên bếp là một hoặc hai cái thùng phuy tùy loại 50, 100 hay 200 lít; thêm vài cái gáo gò bằng nhôm hay tôn loại 1 hay 2 lít; chục cái phích một lít, lít rưỡi, hai lít; một tấm bảng gỗ màu đen viết phấn trắng có khi “điệu” viết phấn vàng hay phấn hồng, hoặc giả chỉ là một tấm bìa các tông viết bút mực lên đó mấy từ “BÁN NƯỚC SÔI” treo trước cửa thế là ra dáng một cửa hàng bán nước sôi rồi.

Nghề bán nước sôi và sản phẩm của nghề này là một nét đặc trưng trong đời sống thị thành, đặc biệt là các thành phố ở miền Bắc, bởi lẽ ở thành phố, nhất là thời kỳ bao cấp, chất đốt rất thiếu thốn, do đó khi có nhu cầu sử dụng nước sôi, không phải lúc nào cũng có thể vào bếp để đun nước, thay vào đó là cầm cái phích với mấy đồng chạy ù ra đầu phố là có ngay một phích nước sôi “nóng bỏng”.

Ngày nay, ấm siêu tốc, phích điện, bếp từ, bếp điện đa dạng, muốn có một ấm nước sôi, có khi chỉ cần một vài phút, thế nên chỉ còn rất ít người làm nghề này và có thể không lâu nữa nghề này sẽ mất hẳn, nhưng với những người dân thành thị đã từng sống trong những thập kỷ 70, 80, 90 của thế kỷ XX thì hình ảnh của cửa hàng bán nước sôi có khi vẫn còn đọng lại như một kỷ niệm khó quên.
Minh Quang
Chớm đông
Chớm đông

Chớm đông. Tôi thích tiết trời những ngày như thế này. Mỗi tối ra khỏi nhà, tới con đường cái, thị trấn bé nhỏ với ánh sáng đèn đường yếu ớt làm ly trà nóng cùng đĩa hạt hướng dương thơm bùi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN