Chần chăn

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, gia đình nào có được cái chăn bông 5 cân quả là quý giá.


Cái chăn bông thường bao gồm vỏ chăn và ruột chăn, ruột chăn làm bằng bông. Có 2 loại ruột chăn phổ biến thời bấy giờ, là loại 5 cân và 3 cân. Để cho bông trong ruột chăn chỗ nào cũng đều nhau và khi sử dụng thì bông không bị xê dịch, sử dụng, người ta phải chần chăn.

Nghề bật bông những năm thế kỷ 20 ở Hà Nội xưa

Xóm tôi ngày trước cũng có đôi ba nhà làm thêm nghề chần chăn thuê cho nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Thường mỗi lần Nhà máy phát cho một vài tạ bông và vài chục bộ áo ngoài may bằng vải màn, lớp áo này chỉ được may 3 cạnh rưỡi, còn nửa cạnh để lại lấy chỗ nhồi bông vào. Bông nhận về thường đã được làm khô và bật cho tơi xốp, người làm chỉ việc cân bông và nhồi vào áo. Sau khi nhồi đủ số lượng bông cần thiết, người ta sẽ khâu nốt nửa cạnh còn lại, rồi dàn bông cho đều. Ở công đoạn này, người ta dùng một cái thước gỗ to và khá nặng, chiều dài của thước dễ phải đến hơn 2 mét, chiều rộng khoảng 8 đến 10 cm và dầy cỡ 1,5 đến 2 cm để dàn đều bông trong vỏ áo.

Xong công đoạn dàn bông, người thợ sẽ dùng phấn màu và chính cái thước gỗ để kẻ những đường thẳng làm dấu. Sau khi kẻ xong, bề mặt của vỏ chăn sẽ được vẽ thành những hình quả trám đều nhau.

Mục chần “Bổ”, đường bổ đầu tiên bao giờ cũng phải là một trong hai đường chéo dài nhất, người thực hiện việc này thường phải là thợ “cứng” nhất. Người ta nhẹ nhàng cuộn ruột chăn từ 1 góc theo đường chéo, đến đúng đường chéo giữa bắt đầu chần, sau khi chần xong đường chéo giữa, người thợ giở dần cuộn ra, cách 3 hay 4 đường lại chần 1 đường, bên kia cũng thế, sau khi định hình được bề mặt của ruột chăn, người ta tiếp tục bổ biên, đường biên là các đường song song với 4 cạnh của vỏ áo, đường biên thứ nhất cách mép khoảng 3 cm, đường biên thứ hai cách đường biên thứ nhất cũng thế, thường thì người ta chỉ đi hai đường biên là đủ, cũng có khi đi 3 đường. Bổ xong thì người thợ sẽ tiến hành chần nốt những đường còn lại.

Dụng cụ chính dùng để chần chăn, ngoài cái thước như đã kể ở trên còn có kim, chỉ, đê, mấy cục nến hay vài cái lọ đựng thuốc Penicilin đã hết trong đó có nhét đầy bông và tẩm đẫm dầu máy khâu. Cái kim dùng để chần chăn dài từ 10 đến 12 cm được mua sẵn ở chợ hoặc có nhà khéo tay thì tự làm lấy từ mấy đoạn dây thép; Đê bằng nhựa, cao su, hay kim loại dùng để đeo vào ngón tay giữa của bàn tay cầm kim, cái đê này có tác dụng làm điểm tỳ để ấn mũi kim xuyên qua các lớp bông trong quá trình chần chăn. Thợ nào chần giỏi thì 1 đường kim có thể đi được 3 đến 4 mũi, mỗi mũi cách đều nhau từ 2 đến 3 cm, mũi lên và mũi xuống sát với nhau. Thường sau mỗi đường kim, người thợ lại dụi cái kim vào cái lọ penicilin chứa dầu để kim được trơn, dễ chần hơn.

Khi chần xong, nhìn bề mặt chăn lúc này thấy những hình quả trám gồ lên, đều tăm tắp, trông vui mắt. Người thợ dùng cây thước gỗ đập lên bề mặt chăn cho bụi bẩn bay bớt đi, sau đó gấp lại, xếp gọn vào một chỗ chờ đến ngày đi trả theo lịch hẹn của nhà máy.

Chăn ấm, đệm êm, từ xưa đến nay vẫn là niềm mơ ước của bao gia đình trong những ngày đông tháng giá. Có thể với nhiều người, ngày nay đắp chăn lông vũ, chăn điện thích hơn, nhẹ hơn đắp chăn bông, nhưng với tôi, được đắp cái chăn bông 5 cân trong những ngày đông giá rét vẫn cho cảm giác ấm áp và dễ chịu nhất.

Minh Quang
Mùa lụt quê tôi
Mùa lụt quê tôi

Khi miền Bắc gió heo may mới chớm vờn mây trắng, miền Nam còn nắng ấm trời cao, thì quê tôi đoạn giữa cong gánh hai đầu Nam Bắc lại đang cong thêm vì gánh bão lũ đất trời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN