15 năm theo nghề “tay trái”

Ngày khánh thành chiếc cầu quay sông Hàn, công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2000) tôi có cảm xúc mạnh mẽ khi chứng kiến nhân dân thành phố hân hoan chào đón sự kiện đặc biệt có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế xã hội và chính trị. 

Cầu sông Hàn.


Trong tôi bỗng lóe lên ý thơ để trải lòng mình trước tình cảnh ngất ngây men đời, men tình lúc ấy. Thế là bài thơ với tựa đề NGÀY XƯA LỖI HẸN với bút danh Mai Lịch ra đời và xuất hiện trên báo Đà Nẵng cuối tuần ra chủ nhật, ngày 2/4/2000, trong đó có đoạn:

Ngày trước thường hay lỗi hẹn
Qua sông anh phải lụy đò
Bây chừ có cầu rồi đó
Anh còn lỗi hẹn nữa không?
……
Bây chừ có cầu rồi đó
Thăm nhau chẳng phải lụy đò
Đôi ta gần thêm chút nữa
Và không lỗi hẹn bao giờ.

Bài thơ “con cóc” được đăng báo trở thành chất xúc tác động viên tôi mạnh dạn tiếp tục viết báo, đủ tin bài, đủ thể loại và trong suốt 15 năm qua tôi đã cộng tác thường xuyên với nhiều báo, tạp chí và cả phát thanh, online… có những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên. Là cộng tác viên (CTV) (có khi được bình chọn là CTV xuất sắc hoặc CTV tích cực), được mời dự hội nghị tổng kết của báo này, tạp chí nọ, qua đó học hỏi được nhiều kinh nghiệm để bồi bổ thêm nghề “tay trái”. Mỗi lần thấy bài mình được đăng là cảm thấy tâm trạng thăng hoa, bạn bè gọi điện chúc mừng và không quên đòi rửa bài cũng vui đáo để, bài có nhuận bút khá thì rửa “đàng hoàng”, còn nhuận bút “không ra chi” thì… cười cho qua chuyện. Mười lăm năm làm CTV cho nhiều báo, tạp chí cũng đủ thời gian để tôi “đánh giá” tòa soạn nào chu đáo chuyện gửi nhuận bút và báo biếu cho tác giả (cũng có người gọi đó là văn hóa nhuận bút), thật là vui và trân trọng sự chu đáo của nhiều tòa soạn.

Phóng viên hay CTV viết bài gửi cho các báo, tạp chí theo kiểu ca ngợi mô hình, điển hình tiên tiến của cá nhân hay tập thể, thì “viết mấy cũng được”, còn viết để phanh phui ra ánh sáng công luận, dư luận những vấn đề khuất tất, tiêu cực trong đời sống cộng đồng thì phải cân nhắc cẩn thận, coi chừng cả tính mạng của mình chớ chẳng phải đùa, nhiều phóng viên tác nghiệp tại hiện trường đã bị kẻ xấu hành hung hoặc nhà ở của phóng viên, CTV bị ném đồ bẩn, chất gây cháy, nổ đã từng xảy ra mà báo, đài từng nêu trong thời gian qua.

Tôi còn nhớ một chuyện buồn khi viết bài phản ánh tình trạng khuất tất trong công tác tuyển quân của một đơn vị nhận quân, bài được gửi cho một tạp chí ở cấp Bộ, mấy ngày sau tôi nhận được ý kiến của tòa soạn là không thể đăng bài của tôi vì lý do tế nhị, tiếp theo đó là tôi đón nhận “bão” từ đơn vị nhận quân cho rằng bài viết của tôi không đúng sự thật, thiếu tính xây dựng. Từ đó tôi biết tòa soạn đã thông tin bài viết của tôi tới đơn vị nhận quân để kiểm tra thật hư ra sao. Tôi lại nhận “bão” từ chỉ huy cấp trên trực tiếp (lúc này tôi đang là chỉ huy trưởng quân sự cấp quận), cấp trên yêu cầu tôi viết bài đính chính và xin lỗi đơn vị nhận quân (!?). Vậy là đại diện chỉ huy đơn vị nhận quân đã trao đổi trước với cấp trên của tôi và đặt ra yêu cầu như vậy, với bản tính trung trực tôi trình bày thẳng với cấp trên về sự khuất tất của đơn vị nhận quân và cho biết sẽ không viết bài đính chính (đính chính bài nào?) và cũng không xin lỗi đơn vị nhận quân, bởi bài viết của tôi hoàn toàn chân thực. Đó là lần duy nhất của gần 30 năm trong quân đội tôi không tuân mệnh lệnh cấp trên. Tôi không hề bị kỷ luật vì vụ đó, nhưng sự việc lại “chìm xuồng” một cách khó hiểu. Đây là nỗi buồn nặng nề nhất trong vòng 15 năm tôi theo nghề “tay trái”.

Thỉnh thoảng nghe báo, đài phản ảnh phóng viên báo này, đài nọ có hành vi tiêu cực, vi phạm đạo đức người làm báo như tống tiền doanh nghiệp, lạm dụng nghề báo để nhũng nhiễu, vòi vĩnh cơ quan này, đơn vị nọ không ngoài mục đích là kiếm những đồng tiền bất lương, quả thật cũng đáng buồn cho những ai đang tâm huyết với nghề báo.

Là người đã đồng hành cùng làng báo suốt 15 năm qua, tôi cũng rút ra được nhiều vấn đề bổ ích để tiếp tục theo đuổi nghề “tay trái” này, với kỳ vọng là nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn đứng vững trên mặt trận không tiếng súng, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu cao cả “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” để đất nước ta xứng đáng sánh vai cùng bầu bạn thế giới.
MAI MỘNG TƯỞNG
Vết sẹo
Vết sẹo

Mãi đến bây giờ, cánh tay tôi vẫn còn một vết sẹo. Vết sẹo ấy gắn liền cùng bài học đầu tiên cuộc đời dạy tôi về xử thế, đối nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN