Theo Bộ trưởng Onodera, Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đã đề xuất chế tạo các radar cần thiết cho một hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis Ashore mới có giá 134 tỷ yen (1,21 tỷ USD). Tổng chi phí bao gồm cả phí bảo trì và vận hành cho 2 hệ thống phòng thủ Aegis Ashore trong 30 năm tới ước tính là 466 tỷ yen (4,2 tỷ USD).
Tuy nhiên, số tiền này chưa bao gồm các chi phí phát sinh liên quan. Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh việc đưa vào sử dụng các hệ thống phòng thủ này sẽ cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản.
Theo giới chức Mỹ, Nhật Bản dự kiến cần khoảng 6 năm chuẩn bị cho việc triển khai một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis Ashore do Mỹ phát triển sau khi Washington ký kết một hợp đồng với Tokyo.
Thời gian lắp đặt một khẩu đội Aegis Ashore theo tính toán của phía Mỹ là 1 năm sau khi Nhật Bản lên kế hoạch và Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định sẽ thúc đẩy Washington hợp tác để đưa hệ thống phòng thủ này vào hoạt động sớm hơn.
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc địa điểm đặt 2 khẩu đội Aegis Ashore là các khu vực huấn luyện của Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản tại các tỉnh Akita và Yamaguchi. Nhật Bản đặt mục tiêu hoàn thiện việc triển khai hệ thống Aegis Ashore đầu tiên vào năm 2023.
Các hệ thống Aegis Ashore này được cho là có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản. Tokyo cho rằng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang đặt ra một mối đe dọa trực tiếp đối với Nhật Bản.
Tuy nhiên, kế hoạch triển khai 2 khẩu đội tên lửa trên đã gây quan ngại cho người dân ở các tỉnh miền Đông Bắc và miền Tây Nhật Bản vì họ cho rằng các hệ thống này có thể trở thành các mục tiêu tấn công khủng bố mới. Họ cũng lo ngại rằng sóng vô tuyến từ radar của hệ thống phòng thủ này có thể gây hại đến sức khỏe con người.