Hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis Ashore của Nhật. Ảnh: Sputnik/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Zakharova cho rằng những hành động như vậy đi ngược lại ưu tiên xây dựng lòng tin quân sự và chính trị giữa Nga và Nhật, và điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến toàn bộ bầu không khí trong quan hệ song phương giữa hai nước, bao gồm cả việc đàm phán về hiệp ước hòa bình.
Trước đó, ngày 19/12, Nhật Bản quyết định đưa vào hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis của Mỹ, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia trong bối cảnh Triều Tiên đang đạt những bước tiến lớn trong chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.
Hệ thống "lá chắn" tên lửa này sẽ có tầm bao phủ toàn lãnh thổ Nhật Bản và được trang bị hệ thống đánh chặn thế hệ mới SM-3 Block 2A với tầm phủ sóng và độ chính xác cao hơn so với phiên bản SM-3 trên tàu khu trục Aegis. Theo các quan chức Bộ Quốc phòng, mỗi hệ thống do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo này sẽ tốn ít nhất 100 tỷ yen (khoảng 888 triệu USD).
Nhật Bản hiện đã có 2 lớp phòng thủ tên lửa là tàu khu trục Aegis của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản được trang bị hệ thống đánh chặn SM-3 cùng hệ thống đánh chặn mặt đất PAC-3. Quyết định triển khai thêm hệ thống phòng thủ Aegis được cho là sẽ giảm gánh nặng cho lực lượng phòng vệ quốc gia trong nỗ lực phòng thủ tên lửa.
Quan hệ giữa Nga và Nhật vẫn luôn căng thẳng sau khi hai bên đều tuyên bố chủ quyền tại quần đảo tranh chấp ở Thái Bình Dương. Khu vực tranh chấp gồm 4 hòn đảo mà phía Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan, còn Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan.
Việc tranh chấp chủ quyền tại đây đã cản trở hai nước ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Tuy nhiên, gần đây hai bên đều thể hiện thiện chí giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề này. Mới đây nhất, 2 nước đã cùng tiến hành nghiên cứu đánh giá tiềm năng kinh tế tại khu vực đảo tranh chấp.