Mức đề xuất trên tăng 2,1% so với ngân sách ban đầu của tài khóa hiện tại (tính đến hết tháng 3/2019). Nếu được thông qua, đây sẽ là khoản tăng ngân sách quốc phòng năm thứ 7 liên tiếp, trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe củng cố quân đội của nước này nhằm đối phó với các thách thức về an ninh trong khu vực.
Khoản kinh phí lớn nhất trong ngân sách quốc phòng Nhật Bản là số tiền 424,4 tỷ yen chi cho khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, trong đó có 235 tỷ yen để mua 2 trạm theo dõi hoạt động tên lửa bằng radar của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên mặt đất do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. Quân đội Nhật Bản cũng muốn có tiền để mua các tên lửa đánh chặn tầm xa Raytheon Co SM-3, được thiết kế để tấn công các tên lửa của đối phương ở không trung, cũng như để nâng cao tầm bắn và độ chính xác của các khẩu đội tên lửa PAC-3 của nước này.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến dành 26,8 tỷ yen để mua một hệ thống radar giám sát tầng khí quyển bên ngoài, và 3,8 tỷ yen để thiết lập một công cụ thu thập thông tin để đối phó với các vụ tấn công mạng. Ngoài ra, khoảng 55,8 tỷ yen được dùng để phát triển một hệ thống quản lý dữ liệu sử dụng trí thông minh nhân tạo nhằm quản lý hiệu quả các tài liệu hành chính.
Đề xuất ngân sách trên được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra chỉ 3 ngày sau khi công bố Sách Trắng thường niên đánh giá các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh nước này, mặc dù trước đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Sách Trắng quốc phòng 2018 của Nhật Bản cũng cho rằng các hoạt động quân sự tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang gia tăng, ngoài ra nước này cũng quan ngại về nguy cơ hoạt động chống phá của tin tặc trong không gian mạng và vũ trụ.