Trong thông báo ngày 14/4 trên mạng xã hội Twitter, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang gửi hàng tiếp tế y tế cũng như cử thêm nhân viên tới Tripoli, đồng thời lên án các cuộc tấn công liên tiếp nhằm vào các nhân viên y tế cũng như các phương tiện trong cuộc giao tranh nổ ra từ hôm 4/4 vừa qua.
Trước đó, WHO cũng đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm tại Libya do tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng cũng như làn sóng người rời bỏ nhà cửa lánh nạn trong bối cảnh các vụ giao tranh gần khu vực thủ đô Tripoli giữa các lực lượng trung thành với Chính phủ Libya và phe đối lập vẫn rất ác liệt.
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng.
Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở Tripoli. Mặc dù hai bên đã ký thỏa thuận chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ vào cuối năm 2015, nhưng Libya vẫn chưa đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ.
Hiện tại, GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội, mà vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của các nhóm vũ trang để bảo vệ thủ đô.
Xung đột giữa hai bên đã bùng phát và đẩy lên một nấc thang mới sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 ra lệnh cho các lực lượng ở miền Đông tiến về miền Tây, tấn công Tripoli với tuyên bố “giải phóng Tripoli, tiêu diệt khủng bố, xóa sổ các băng nhóm tội phạm”. Trong khi đó, người đứng đầu GNA, Thủ tướng Fayez al-Sarraj tuyên bố đáp trả bằng "mọi nỗ lực", đồng thời huy động quân tiếp viện từ các khu vực về Tripoli để "phản công" bảo vệ thủ đô.