Trong một tuyên bố hôm 10/4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thông báo có gần 500.000 trẻ em tại Tripoli và hàng chục nghìn người khác tại các khu vực lân cận đang đối mặt với “nguy hiểm trực tiếp” vì căng thẳng bạo lực. UNICEF kêu gọi các bên “hãy bảo vệ từng đứa trẻ và giữ chúng tránh xa nguy hiểm theo Luật Nhân đạo Quốc tế’.
UNICEF cũng hối thúc hai bên “kiềm chế các hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em, bao gồm cả việc tuyển dụng và sử dụng trẻ em trong chiến đấu".
Giao tranh tại Libya leo thang từ ngày 4/4 sau khi tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tại miền Đông Libya, phát động chiến dịch tiến chiếm thủ đô Tripoli được kiểm soát bởi Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) do Liên hợp quốc bảo trợ.
Tướng Khalifa Haftar tuyên bố sự hiện diện của “khủng bố và các phần tử cực đoan” là lý do khiến ông thực hiện bước đó này. LNA đã chiếm được một vài khu vực cách trung tâm thủ đô 11 km về phía Nam. Người dân tại Tripoli cho biết nghe thấy tiếng máy bay LNA hoạt động trên bầu trời thành phố và xuất hiện tiếng giao tranh ở vùng ngoại ô. Trước đó, lực lượng của Tướng Haftar có chiếm được một sân bay cũ song nhanh chóng bị lực lượng ủng hộ chính quyền giành lại.
Liên hợp quốc (LHQ) cho biết ít nhất 4.500 dân thường ở Tripoli mất nhà cửa. Phần lớn người dân phải chạy khỏi vùng xung đột để chuyển về các quận an toàn hơn trong thành phố. Tuy nhiên, còn rất nhiều dân thường bị mắc kẹt và cô lập khỏi các dịch vụ cứu trợ khẩn cấp.
Tương tự hậu quả nhân đạo, xung đột mới ở Libya đe dọa kế hoạch thiết lập hòa bình của LHQ và kích động các tay súng gây ra hỗn loạn.
Đặc phái viên của Mỹ tại Libya ông Ghassan Salame ngày 9/4 cho biết không thể tổ chức hội nghị hòa bình theo kế hoạch vào tuần tới trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra giữa các phe phái tìm cách kiểm soát thủ đô Tripoli.
Đặc phái viên Salame trong một tuyên bố cho biết LHQ dự định triệu tập hội nghị ngay khi có điều kiện, tuy nhiên, xung đột mới ở đây đã tước đi "cơ hội lịch sử" cho người Libya.
Libya vẫn luôn kẹt trong bất ổn kể từ năm 2011 khi một cuộc nổi dậy được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn dẫn đến sự lật đổ và cái chết của nhà lãnh đạo Moammar Gaddafi sau hơn bốn thập kỷ cầm quyền.
Libya sau đó trở thành một đất nước bị chia cắt và cạnh tranh quyền lực, một vùng đất đầy rẫy tình trạng mất an ninh, bất ổn kinh tế, xã hội bị xáo trộn. Các phe phái chính trị lợi dụng mâu thuẫn giữa các bộ tộc để kích động đối đầu, khiến bối cảnh ở Libya ngày càng phức tạp và hỗn loạn.